Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẽ có chính sách riêng để công nhân tiếp cận nhà ở xã hội

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị đối thoại với công nhân lao động Thủ đô.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị đối thoại với công nhân lao động Thủ đô.

Chiều 18/5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì cuộc đối thoại với công nhân, lao động Thủ đô năm 2023. Dự cuộc đối thoại có lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội, các sở, ngành của Thành phố…

Rà soát quỹ đất để phục vụ việc phát triển nhà ở

Đặt câu hỏi trong hội nghị đối thoại, anh Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kyoei Việt Nam cho biết, hiện nay nhu cầu về nhà ở của NLĐ rất cao, nhưng với mức lương, mức thu nhập của NLĐ chỉ tạm đủ cho sinh hoạt hàng ngày, học hành con cái thì NLĐ không thể tiếp cận được với căn hộ riêng cho mình… “Tôi được biết vừa qua Chính phủ có chính sách phát triển nhà ở xã hội cho Công nhân. Vậy thành phố Hà Nội đã có chính sách gì để triển khai thực hiện chủ trương này” – anh Nguyễn Văn Đức đặt câu hỏi.

Anh Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kyoei Việt Nam đặt câu hỏi. 
Anh Nguyễn Văn Đức - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Kyoei Việt Nam đặt câu hỏi. 

Trả lời câu hỏi này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết: Vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho công nhân được Trung ương, Thành phố, Thành ủy, các cấp, ngành vô cùng quan tâm. Trong những năm qua, UBND Thành phố đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021- 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025, trong đó đã định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong giải đáp kiến nghị. 
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong giải đáp kiến nghị. 

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, ngày mai, Bộ Xây dựng sẽ triển khai kế hoạch này. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, Thành phố cũng đã có nhiều kế hoạch triển khai phát triển nhà ở cho công nhân. Trong giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục rà soát, dành ra quỹ đất để tiếp tục phục vụ công tác phát triển nhà xã hội trên địa bàn; rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ với các thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động.

Đồng thời, TP cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, Ban ngành, các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ dần đáp ứng được nhu cầu của người lao động, đặc biệt là công nhân tại các khu công nghiệp.

Đã có 29 cơ sở khám, chữa bệnh có tổ chức khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính

Chị Vũ Thị Thu - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toyoda Giken Việt Nam đặt câu hỏi về việc triển khai khám chữa bệnh vào ngày Chủ Nhật, ngoài giờ hành chính cho NLĐ có thẻ bảo hiểm y tế.

Chị Vũ Thị Thu - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toyoda Giken Việt Nam đặt câu hỏi về việc triển khai khám chữa bệnh vào ngày Chủ  Nhật, ngoài giờ hành chính cho NLĐ có thẻ bảo hiểm y tế.
Chị Vũ Thị Thu - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toyoda Giken Việt Nam đặt câu hỏi về việc triển khai khám chữa bệnh vào ngày Chủ  Nhật, ngoài giờ hành chính cho NLĐ có thẻ bảo hiểm y tế.

Về nội dung này, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết: Bảo hiểm xã hội Thành phố đã tham mưu Chủ tịch UBND Thành phố hàng năm đều có văn bản chỉ đạo giao Sở Y tế phối hợp với BHXH yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện khám chữa bệnh kể cả vào ngày nghỉ lễ, Tết, Chủ Nhật.

Trong quy định này giao trách nhiệm cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng bảo hiểm y tế. Thông bảo bằng văn bản cho cơ quan bảo hiểm xã hội để bổ sung vào hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh trước khi thực hiện hoạt động khám bệnh, chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ để làm cơ sở thanh toán.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến giải đáp thắc mắc của người lao động. 
Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến giải đáp thắc mắc của người lao động. 

Các cơ sở khám chữa bệnh đã nghiêm túc thực hiện nội dung này. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có 29 cơ sở khám, chữa bệnh có tổ chức khám chữa bệnh ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ cho người bệnh và được thanh toán đúng theo quy định của Bộ Y tế. Thời gian tới, BHXH Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh khám chữa bệnh BHYT vào ngày lễ, ngày nghỉ để đáp ứng yêu cầu người bệnh.

Sở LĐTB&XH không có căn cứ pháp lý để xin miễn giảm thuế đất phi nông nghiệp

Giải đáp những kiến nghị của chị Nguyễn Thị Bích Thủy nêu về tình trạng doanh nghiệp chưa chấp hành đầy đủ pháp luật lao động, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương tiếp thu thông tin, đồng thời nhấn mạnh người sử dụng lao động và bản thân người lao động cũng phải có tự ý thức chấp hành Bộ Luật Lao động, đảm bảo thực hiện cam kết giữa chủ doanh nghiệp và người lao động trong quá trình lao động.  Tổ chức Công đoàn cũng là đơn vị thường xuyên tuyên truyền cho người sử dụng lao động và người lao động chấp hành lao động, thực hiện thảo ước lao động tập thể…

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương trả lời các kiến nghị. 
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương trả lời các kiến nghị. 

Liên quan đến việc xin xác nhận số lượng lao động để làm căn cứ xin miễn giảm thuế thuê đất phi nông nghiệp, từ năm 2023, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Sở không thực hiện việc xác nhận doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữa. "Lý do không xác nhận là do Bộ Luật Lao động sau khi sửa đổi bổ sung đã điều chỉnh bỏ bớt một số thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, trong đó bãi bỏ thủ tục xác nhận doanh nghiệp sử dụng đông lao động. Vì vậy, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội không có căn cứ pháp lý để thực hiện thủ tục xác nhận này"- bà Bạch Liên Hương cho biết.

Về đề nghị UBND TP xem xét sửa đổi Quyết định 26/QĐ-UBND Thành phố về việc quản lý sử dụng nguồn vốn ủy thác qua ngân hàng chính sách xã hội cho công nhân lao động, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Sở cùng với Ngân hàng chính sách xã hội TP  Hà Nội là cơ quan quản lý nhà nước nguồn vốn này. Công nhân lao động thuộc LĐLĐ Thành phố quản lý nhưng nguồn vốn chính sách ủy thác thông qua các đoàn thể chứ không thông qua LĐLĐ. Được biết, Công đoàn có nguồn vốn riêng dành cho đoàn viên, công nhân lao động vay do vậy, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến nghị công nhân lao động có thể tiếp cận nguồn vốn này.

Chù tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh và Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Phạm Quang Thanh lắng nghe các ý kiến của công nhân, lao động tại hội nghị đối thoại. 
Chù tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh và Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Phạm Quang Thanh lắng nghe các ý kiến của công nhân, lao động tại hội nghị đối thoại. 

Về chính sách hỗ trợ lao động đào tạo nghề, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nhấn mạnh thành phố Hà Nội có rất nhiều chính sách, đặc biệt là cho các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng sau khi thụ án. 

Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định, với công nhân lao động việc được đào tạo nghề là nhu cầu chính đáng, và chủ sử dụng doanh nghiệp phải có trách nhiệm đào tạo người lao động. Chính vì vậy, đề nghị người sử dụng lao động tên cơ sở ngành nghề của mình đào tạo lao động đáp ứng nhu cầu công việc.

Hà Nội sẽ có chính sách riêng để công nhân tiếp cận nhà ở xã hội - Ảnh 1
Công nhân lao động đặt câu hỏi tại hội nghị đối thoại. 
Công nhân lao động đặt câu hỏi tại hội nghị đối thoại. 

Đối với kiến nghị liên quan đến giải pháp để thu hút lực lượng công nhân lao động tại chỗ đến làm việc tại các Khu công nghiệp trên địa bàn, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh lao động với các tỉnh, thành khác, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, giải pháp đầu tiên là thu hút doanh nghiệp, nhiều dự án lớn đầu tư nước ngoài vào Thủ đô để tạo ra việc làm. Hằng năm, Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cũng đã khảo sát hàng năm có hàng trăm ngàn lao động có nhu cầu tìm việc làm. Thông qua các phiên giao dịch việc làm, gắn kết thị trường lao động, hơn 200 ngàn lao động đã tìm được việc làm. Như vậy, nhu cầu và khả năng đáp ứng đã tiệm cận được việc nhau.

Khuyến khích người lao động ở lại hệ thống BHXH để hưởng thụ tối đa các quyền lợi

Giải đáp các vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến giải đáp: Luật Bảo hiểm xã hội đã được thực hiện từ năm 1/1/2007 và thay thế năm 2016 đến nay đã đi vào cuộc sống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nội dung chưa phù hợp cần phải sửa đổi, bổ sung.

Quang cảnh hội nghị đối thoại. 
Quang cảnh hội nghị đối thoại. 

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội dự kiến trình Quốc hội đang được triển khai lấy ý kiến theo hướng mở rộng quyền, lợi ích cho các đối tượng tham gia như giảm điều kiện tối thiểu về số năm tham gia BHXH để hưởng hưu, hạn chế rút BHXH một lần, tăng sự hấp dẫn chính sách BHXH tự nguyện. Dù phương án nào, mục tiêu cuối cùng cũng là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống để được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, tránh những thiệt hại bất lợi khi họ hưởng BHXH một lần.

 

Tính đến thời điểm hiện nay, BHXH thành phố quản lý thu của 115 ngàn doanh nghiệp, số thu năm 2021 xấp xỉ 55 ngàn tỷ đồng, năm 2022 là 61 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng nợ BHXH cũng rất nhiều. Trước tình trạng này, thời gian qua, Thành phố đã rất quan tâm, có nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo các cấp ủy Đảng, ban, ngành liên quan vào cuộc, nên nợ BHXH có chiều hướng giảm.

Về việc BHXH số, BHXH Thành phố đã triển khai cài đặt VssID lên tới 4,5 triệu người giúp tra cứu được tất cả các thông tin đến quyền lợi của người tham gia BHXH. 100% cơ sở khám chữa bệnh đã thực hiện khám chữa bệnh thông qua BHXH số tuy nhiên có một số cơ sở khám chữa bệnh chưa triển khai được là do đầu đọc chưa phù hợp, chúng tôi đã yêu cầu trang bị đầu đọc cho tốt để thực hiện số hóa quá trình khám chữa bệnh BHYT cho người lao động.

Đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động

Phát biểu Kết luận tại hội nghị đối thoại, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh ghi nhận những góp ý, kiến nghị rất xác đáng của công nhân, lao động.

Thay mặt lãnh đạo Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh gửi lời cảm ơn tới sự đóng góp to lớn của đội ngũ công nhân lao động trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô. Đặc biệt trong những năm gần đây Thành phối đối diện với nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND  Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm rõ một số vấn đề công nhân lao động quan tâm. 
Chủ tịch UBND  Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh làm rõ một số vấn đề công nhân lao động quan tâm. 

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cơ bản đồng tình và đánh giá cao những giải đáp của các sở, ngành tại Hội nghị đối thoại. Đối với những lĩnh vực thuộc thẩm quyền, UBND Thành phố sẽ có chỉ đạo và giao các đơn vị xử lý kịp thời; những vấn đề không thuộc thẩm quyền, UBND Thành phố sẽ báo cáo Trung ương, các Bộ, ngành, cơ quan chức năng.

Làm rõ một số vấn đề, Chủ tịch UBND Thành phố đã nêu quan điểm phát triển của Thành phố trong thời gian tới. Theo đó, thành phố Hà Nội sẽ phát triển theo hướng mở rộng, công nghệ cao, đòi hỏi nguồn nhân lực đáp ứng công nghệ cao. Do đó, Thành phố Hà Nội sẽ có chính sách để phát huy lợi thế trung tâm văn hóa, giáo dục đào tạo, đặc biệt là chú trọng vào các trường nghề, đào tạo nhân lực chất lượng cao để đáp ứng xu thế phát triển.

“Thành phố sẽ có những chính sách cụ thể, rõ ràng về phát triển công nghiệp, công nhân, nhân lực chất lượng cao sau khi Luật Thủ đô tới đây được ban hành, Quy hoạch Thủ đô được phê duyệt, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được điều chỉnh” - Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề nhà ở cho công nhân, Chủ tịch UBND Thành phố  Hà Nội khẳng địn,h trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, Thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ, dự án, để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội cho người lao động.

“Các doanh nghiệp đã tương đối sẵn sàng, Thành phố mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công một số khu nhà. Làm đồng bộ, tập trung, quan tâm đến việc công nhân có thể tiếp cận được không dựa trên khoảng cách địa lý. Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi. Thành phố đang rất quyết liệt nhưng việc này cần có thời gian nhất định, kế hoạch và lộ trình cụ thể” - Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương trao quà cho công nhân lao động. 
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh và Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Thái Thu Xương trao quà cho công nhân lao động. 

Chia sẻ về chính sách tiền lương, chế độ, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, hiện nay đã có cơ chế xây dựng chính sách tiền lương tương đối cụ thể, bảo vệ tối đa nhất có thể quyền lợi của người lao động, đảm bảo tính hấp dẫn tối thiểu nhà đầu tư đến Việt Nam, kể cả nhà đầu tư trong nước… Nhà nước đã luôn luôn quan tâm chỉ đạo đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. Chủ tịch UBND Thành phố mong muốn tổ chức Công đoàn chia sẻ, hoạt động có hiệu quả hơn nữa vì đoàn viên, người lao động.

 

Về vấn đề giáo dục cho con em công nhân lao động, Chủ tịch UBND thành phố đồng tình với ý kiến của Sở GD&ĐT, đồng thời nhấn mạnh cần có lộ trình, phương pháp tiếp cận để công bằng và hài hòa. Cũng trong tháng 7 này, UBND Thành phố  hy vọng sẽ hoàn thành đề án nghiên cứu định mức đơn giá tối thiểu trong giáo dục và y tế, trước mắt là giáo dục… đảm bảo quyền lợi hài hòa cho học sinh, con em công nhân lao động…

Về những vấn đề liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực Bảo hiểm, tư pháp, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thành phố cùng các Sở ngành đang có những giải pháp quyết liệt, giảm thiểu việc công nhân không phải đến cơ quan hành chính, cố gắng rút ngắn thời gian thực hiện hành chính công.

Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, tháng 7 tới, UBND Thành phố sẽ trình HĐND Thành phố xây dựng đề án miễn giảm tất cả chi phí cơ bản phí nộp thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Thành phố với điều kiện làm trực tuyến, để công nhân lao động dành thời gian nhiều hơn cho lao động sản xuất, tăng năng suất, có thời gian nghỉ ngơi, giảm tối đa rủi ro.

Đối với những kiến nghị về khám chữa bệnh, Chủ tịch UBND Thành phố khẳng định sẽ cùng các Sở ngành tổ chức nhiều kênh, nhiều hình thức để công nhân có cơ hội khám chữa bệnh tại bệnh viện công vào những ngày thuận lợi cho công nhân.

Chủ tịch UBND Thành phố đề nghị sau Hội nghị hôm nay, Văn phòng UBND Thành phố và LĐLĐ Thành phố sẽ tổng hợp và có trả lời bằng văn bản từng nhóm vấn đề cho các công nhân lao động, đơn vị.