Hà Nội sẽ có chương trình riêng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 7/10, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội”.

Theo TS Lê Xuân Rao - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, trong xu thế cạnh tranh toàn cầu và hội nhập kinh tế hiện nay, khoa học công nghệ (KHCN) là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của các tổ chức, DN, là tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước.

Số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hiện nay tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp đạt khoảng 25%. Để đạt được mục tiêu của Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”, theo TS Lê Xuân Rao, việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, việc phát triển nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hoá, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững.

Nhận thức được vấn đề trên, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều cơ chế, chính sách đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đến nay, toàn TP đã phát triển được 160 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đã và đang thu hút ngày một nhiều doanh nghiệp tham gia. Hiện, có 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất giống lúa, rau, hoa và cây ăn quả. Bên cạnh đó là 9 doanh nghiệp tham gia đầu tư vào chăn nuôi - nuôi trồng thuỷ sản - công nghệ chế biến nông lâm sản và thuỷ sản. Dù vậy, Hà Nội hiện mới chỉ có 1 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chí của liên Bộ: NN&PTNT và KH&CN.

Chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học tại huyện Sóc Sơn.
Chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học tại huyện Sóc Sơn.

Tại hội thảo, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp đã tham góp ý kiến, tập trung vào nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong số này có các giải pháp về chiếu sáng thông minh, ứng dụng IOT kết nối vạn vật; quản lý chuỗi cung ứng, minh bạch thông tin, chống gian lận thương mại và kết nối cung - cầu nông sản…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, nhằm triển khai có hiệu quả việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Sở đang trình UBND TP Hà Nội xem xét, ban hành Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

“Chương trình khi đi vào thực tiễn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển và ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại…” - ông Tạ Văn Tường chia sẻ thêm. 

 

Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm nông nghiệp toàn TP. Trong đó, các nhóm ngành trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản lần lượt chiếm: 45%, 80% và 60% về tỷ lệ. Ngoài ra, 50% tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo…