Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẽ dành 550 tỷ đồng để bổ cập nước sông Tô Lịch

Việt An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hà Nội vừa có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường.

Sông Tô Lịch.
Sông Tô Lịch.

Theo đó, việc sớm khôi phục dòng sông Tô Lịch để đảm bảo cảnh quan, khắc phục ô nhiễm môi trường được xác định là nhiệm vụ cấp bách của TP Hà Nội.

Thời gian tới, sông Tô Lịch vào mùa khô sẽ trơ lớp bùn đáy gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo cảnh quan đô thị. Để triển khai một dự án cấp nước bổ cập nước nhanh, kịp thời cho sông Tô Lịch hiện nay với tính khả thi cao, phù hợp điều kiện thực tế của Hà Nội, cần thiết phải triển khai theo phương án xây dụng công trình khẩn cấp.

Căn cứ quy định tại tiết b, mục 1, Khoản 48, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17/6/2020, việc quyết định xây dựng công trình khẩn cấp để “thực hiện nhanh, kịp thời đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm nguồn nước, ứng phó sự cố môi trường, phát triển hệ thống công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật” thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Do vậy, UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho phép xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường. Tổng mức đầu tư khoảng 550 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn từ Ngân sách TP Hà Nội. UBND TP Hà Nội cam kết hoàn thành trước tháng 9/2025.

TP Hà Nội đề xuất Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan phối hợp, tạo điều kiện cho UBND TP Hà Nội sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định, đảm bảo mục tiêu, tiến độ dự án.

Sông Tô Lịch trước đây là một chi lưu của sông Hồng, là dòng sông mang nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa, gắn bó với đời sống nhân dân Thủ đô. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử phát triển đô thị của Thủ đô, dòng sông đã có nhiều thay đổi, nhất là về chất lượng nước do gián đoạn về nguồn nước bổ cập, chủ yếu tiếp nhận bằng các nguồn nước từ hồ Tây, nước mưa và lượng nước thải đáng kể.

Sông Tô Lịch có chiều dài 13,4km: điểm dầu là mương Nghĩa Đô đường Hoàng Quốc Việt; điểm cuối sông Tô Lịch có 2 hướng thoát là: (I) hướng thoát ra sông Nhuệ qua cửa điều tiết đập Thanh Liệt; (2) hướng thoát ra sông Hồng qua tuyến hạ lưu sông Kim Ngưu về trạm bơm Yên Sở công suất 90m/s, bơm cưỡng bức ra sông Hông. TP Hà Nội đã tập trung triển khai các dự án thoát nước giai đoạn 1, giai đoạn 2 trước đây và đang thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với mục tiêu chính là tách và thu gom toàn bộ hệ thống nước thải, nước mưa vào hệ thống thoát nước chung nhằm cải thiện, khắc phục, nâng cao chất lượng nước của các dòng sông trên địa bàn Thành phố, trong đó có sông Tô Lịch.

Sau khi dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đi vào hoạt động (từ ngày 01/12/2024, dự kiến hoàn thành toàn bộ hệ thống năm 2027), các nguồn nước bổ cập cho sông Tô Lịch đã được thu gom dẫn đến sông Tô Lịch sẽ bị cạn. Đồng thời, việc đầu tư trạm bơm Liên Mạc, hệ thống thu gom, xử lý nước thải lưu vực S3 (về nhà máy xức lý nước thải Phú Đô), hệ thống thoát nước mưa lưu vực Tả sông Nhuệ đang triển khai thực hiện chuẩn bị đầu tư (dự kiến tiến độ hoàn thành giai đoạn 2027 - 2030).

Vì vậy, dự báo đến hết nhiệm kỳ 2026 - 2030 chưa thể hoàn thành việc bổ cập nước sông Hồng cho sông Nhuệ, sông Tô Lịch theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 725/QĐ-TTg ngày 10/5/2013.