70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội sẽ nâng lương sớm cho người có thành tích công tác xuất sắc

Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 31/5, thực hiện Chương trình công tác của UBND TP và chuẩn bị nội dung trình tại kỳ họp giữa năm của HĐND TP khóa XV, UBND TP Hà Nội tổ chức Phiên họp tập thể tháng 5/2017 dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, để xem xét, quyết định một số nội dung thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của UBND TP.

Dự phiên họp có Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; các đồng chí Thường trực UBND TP, cùng lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành TP; UBND một số quận.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp tập thể UBND TP.
Quy chuẩn phòng cháy chữa cháy
Mở đầu phiên họp, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định - Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội đã trình bày dự thảo Nghị quyết chỉ đạo về xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC số 27/2001/QH10 có hiệu lực. Dự thảo có 7 điều, qua điều tra cơ bản của Cảnh sát PCCC, thống kê có 592 cơ sở, đối tượng chịu tác động của Nghị quyết này. Hiện nay, kinh phí thực hiện việc bảo đảm an toàn PCCC chủ yếu do các chủ đầu tư chủ động, Nhà nước chỉ hỗ trợ các cơ sở được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước. Dự kiến, trong năm nay, Cảnh sát PCCC sẽ xây dựng hoàn chỉnh Nghị quyết. 
Tại phiên họp, các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, tuy nhiên các đại biểu cho rằng cần được làm rõ thêm một số vấn đề như: Quy định về các cơ sở không bảo đảm yêu cầu PCCC, quy định về hồi tố, trách nhiệm của Nhà nước và Nhân dân trong PCCC...
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: Thực trạng công tác PCCC trên địa bàn rất “nóng”. Việc tuân thủ Luật PCCC đối với các công trình xây dựng có tính bắt buộc. Do vậy, cần có Tờ trình để HĐND TP thông qua, làm cơ sở pháp lý cho kinh phí đầu tư công cũng như chuẩn hóa hệ thống PCCC đối với mọi công trình. Đồng chí đề nghị cơ quan cảnh sát PCCC cần tiếp thu, bổ sung ý kiến tại buổi họp để hoàn thiện tờ trình, cùng với đó, Sở Xây dựng cần xây dựng kế hoạch của UBND TP thực hiện kèm theo dự thảo Nghị quyết để kỳ họp HĐND TP tới đây có cơ sở thảo luận, thông qua, sớm đưa Nghị quyết vào đời sống một cách hiệu quả.
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng phát biểu tại phiên họp Tập thể UBND TP.
Kinh doanh trái cây trong nhà
Tại phiên họp, trình bày Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh (KD) trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội”, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết: Đề án gồm 4 nội dung, trong đó nêu chi tiết về thực trạng hoạt động kinh doanh, điều kiện KD, các giải pháp, trách nhiệm và đối tượng thực hiện…
Theo đó, cơ quan quản lý tạm chia các nhóm đối tượng KD gồm: Nhóm  KD tại các siêu thị, trung tâm thương mại; nhóm KD tại các chợ đầu mối và các khu chợ dân sinh; nhóm KD cá thể trên vỉa hè, bán rong ở lòng đường. Trong đó, nhóm đối tượng thứ 2 và thứ 3 hiện nay đang khó quản lý, đặc biệt là ở phương diện đảm bảo VSATTP…
Phần lớn các ý kiến đều thống nhất, sự cần thiết TP phải có quy định này. Về cơ sở pháp lý, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết, lấy ý kiến các đơn vị liên quan; nội dung hoàn toàn thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, quy định này rất cần thiết, bước đầu để xác lập loại hình KD có điều kiện, mục đích để bảo đảm VSATTP nói chung, trái cây nói riêng. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch TP đề nghị, cần làm rõ đối tượng thực hiện, như ở ngoại thành có một số thị trấn cần đưa vào áp dụng không?
Đại diện các quận đều bày tỏ đồng tình với Đề án, làm cơ sở để từng bước dẹp hàng rong, kinh doanh vỉa hè.... Theo lãnh đạo các quận, hiện nhóm đối tượng quản lý khó nhất là những người bán hàng rong, các hộ kinh doanh cá thể ở vỉa hè, trước mắt nên siết chặt quản lý và làm thí điểm ở những đối tượng này.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung nêu rõ: Sử dụng hoa quả, trái cây là nhu cầu chính đáng, thường xuyên, hàng ngày của người dân Thủ đô. Ngoài ra, Chính phủ giao cho TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh năm 2017 chọn 200 cửa hàng lắp thí điểm tính tiền điện tử; địa điểm bán hàng phải bày bán trong nhà không đưa ra vỉa hè và TP đã chọn loại hình KD trái cây để triển khai. Đây là loại hình KD có điều kiện.
Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở Công Thương phải đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể cho các hộ KD hoa quả như: Cơ sở vật chất, cân đong chính xác; người bán hàng phải có sức khỏe, không mắc các bệnh lây truyền nhiễm; hoa quả phải đề rõ nguồn gốc, thời hạn sử dụng…
Cùng với đó, Chủ tịch UBND TP đặc biệt lưu ý, Sở Công Thương khi triển khai, đề án cần tổ chức lấy ý kiến, tuyên truyền các hộ KD và giao thời gian thực hiện. Cụ thể, trong tháng 6, khảo sát trong các quận có bao nhiêu cửa hàng, tổ chức thông báo, lấy ý kiến các hộ KD trong tháng 7 và từ 1/1/2018 áp dụng quy định. “Quá trình triển khai, phải khuyến khích các cơ sở KD. Cửa hàng nào xong trước thì hỗ trợ họ, như đưa danh mục cửa hàng lên trang mạng thông tin để người tiêu dùng và khách du lịch tìm đến tiêu thụ”, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh. Đồng thời, Chủ tịch UBND TP yêu cầu, các sở, ngành liên quan phải quản lý chặt việc KD, buôn bán hoa quả tại các chợ đầu mối cũng như các chợ dân sinh.
Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung phát biểu tại phiên họp tập thể UBND TP.
Nâng lương sớm cho người có thành tích công tác xuất sắc
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng đã trình bày về quy định nâng lương trước thời hạn do đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Theo đó, Dự thảo mới thay đổi một số nội dung như tỷ lệ nâng lương sớm không quá 10% thay vì 5% như quy định cũ; toàn bộ đối tượng được nhận khen thưởng, bằng khen từ Thành ủy, UBND TP hoặc của các bộ, ngành T.Ư được xem xét nâng lương trước thời hạn 12 tháng đối với cán bộ, công chức; 8 tháng đối với hưởng lương cán sự; thời điểm xem xét sẽ diễn ra theo hàng Quý thay vì một Quý đầu năm như quy định cũ.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND TP đề nghị, quy định cần làm rõ, cụ thể thành tích xuất sắc để khen thưởng nâng lương chính xác, nhằm động viên, khích lệ CBCCVC người lao động, phát huy sáng kiến, trí tuệ trong công việc, nhiệm vụ được giao, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của cơ quan, đơn vị và TP. 
Phát biểu tại phiên họp, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện trình bày dự thảo Sửa đổi Quyết định số  trên 07/2014/QĐ-UBND ngày 6/2/2014 của UBND TP về việc ban hành quy định quản lý bến thủy nội địa tham gia hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí trên địa bàn TP Hà Nội. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng đề nghị, dự thảo cần quy định cụ thể, đối với những đơn vị được KD có trách nhiệm bảo đảm môi trường, công tác PCCC; có năng lực, đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, văn minh, đặc biệt là các phương tiện phải có mỹ quan, phù hợp cảnh quan.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch TP nguyễn Đức Chung đề nghị Sở GTVT phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan, rà soát các hồ mặt nước về quy mô, vị trí để xem xét việc KD; từng trường hợp phải xây dựng đề án KD, trình UBND TP, xem xét trước khi phê duyệt.
Phiên họp cũng cho ý kiến về quy định Phân công cơ quan quản lý thuế đối với người nộp thuế theo quy định mới của T.Ư; Quy định thay thế Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 22/7/2014 của UBND TP Hà Nội về quy định quản lý, sử dụng nghĩa trang trên địa bàn TP. Riêng Báo cáo về điều chỉnh Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020, do phải lấy ý kiến của các bộ, ngành T.Ư và một số địa phương, Chủ tịch UBND TP đề nghị Sở NN&PTNT tiếp tục hoàn thiện, lấy ý kiến, hoàn thiện báo cáo UBND TP, trình HĐND TP kỳ họp cuối năm.