Hà Nội sẽ nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia

Hồng Thái - Thuỷ Tiên - Thịnh An - Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Trả lời câu hỏi của đại biểu về chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt từ 80-85%, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, vấn đề nâng số trường đạt chuẩn quốc gia và công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia đang được các cấp, các ngành nỗ lực, cố gắng.

Chiều 17/10, Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và đầu tư, cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội.

Phiên giải trình nhằm mục đích giám sát, đánh giá thực trạng công tác xây dựng trường công lập đạt chuẩn quốc gia và việc đầu tư cải tạo, xây mới trường mầm non, trường phổ thông của TP Hà Nội; phát hiện, làm rõ những tồn tại, hạn chế bất cập và những khó khăn vướng mắc liên quan, xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cấp, ngành, đơn vị. Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp đối với các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT giải trình về thực hiện chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT giải trình về thực hiện chỉ tiêu trường đạt chuẩn quốc gia

Nhiều trường học vượt chỉ tiêu về sĩ số theo quy định

Tại phiên giải trình, đại biểu Nguyễn Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT giải trình tính xác thực chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia, đến năm 2025 đạt từ 80-85%; bởi nhiều trường quá hạn chưa được công nhận lại, nhiều trường học vượt quy định về sĩ số. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này; vì sao chưa trình giải pháp chính sách hỗ trợ các trường công lập quá tải? 

Đại biểu Trần Khánh Hưng (Tổ huyện Ba Vì) nhận định, thiếu trường lớp tạo áp lực cho ngành giáo dục. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT và Sở Xây dựng cho biết, trong 10 năm qua, ngành giáo dục đã tham mưu UBND TP Hà Nội về xây dựng trường học như thế nào. Về xây dựng 7 trường liên cấp theo chủ trương của Thành ủy, HĐND TP đã dự trù kinh phí 1.500 tỷ đồng, nhưng hiện cả 7 trường này đến nay vẫn chưa trình chủ trương đầu tư; liệu có khả năng hoàn thành chỉ tiêu 3- 5 trường liên cấp không, ngành giáo dục gặp khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ?.

Đại biểu Trần Khánh Hưng (Tổ huyện Ba Vì) nhận định, thiếu trường lớp tạo áp lực cho ngành giáo dục
Đại biểu Trần Khánh Hưng (Tổ huyện Ba Vì) nhận định, thiếu trường lớp tạo áp lực cho ngành giáo dục

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thanh Bình về thực hiện chỉ tiêu trường chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt từ 80-85%, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, vấn đề nâng số trường đạt chuẩn quốc gia và công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia đang được các cấp, các ngành nỗ lực, cố gắng.

Theo quy định, năm 2022 phải công nhận mới trên 194 trường chuẩn quốc gia nhưng mới công nhận được trên 145 trường do có nhiều quy định mới. Còn năm 2023, có 130 trường cần công nhận đạt chuẩn quốc gia, đến thời điểm này mới công nhận 16 trường, còn lại các quận, huyện, thị xã đang nỗ lực cố gắng để hoàn thành chỉ tiêu vào cuối năm.

Để đến năm 2025 đạt từ 80-85% trường đạt chuẩn quốc gia, giai đoạn 2023-2025, toàn Hà Nội phải công nhận mới 410 trường, công nhận lại 1.150 trường. Về chỉ tiêu học sinh tiểu học là 35 học sinh/lớp, cấp THPT là 45 học sinh/lớp, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, tiêu chí này đúng là khó khăn trên địa bàn Hà Nội.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, vấn đề nâng số trường đạt chuẩn quốc gia và công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia đang được các cấp, các ngành nỗ lực, cố gắng
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, vấn đề nâng số trường đạt chuẩn quốc gia và công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia đang được các cấp, các ngành nỗ lực, cố gắng

Học sinh tập trung đông ở các quận

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, kỳ thi vào lớp 10 THPT vừa qua, Hà Nội có 116.000 học sinh thi, Sở cộng lại tất cả các trường có 138.600 chỗ học đến từ 118 trường công lập, 106 trường tư thục, 50 trường đào tạo nghề, 29 trung tâm giáo dục thường xuyên.

Từ đó, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Chỗ học vẫn dư, chỉ có điều là thừa thiếu cục bộ, ở một số quận nội thành lõi học sinh rất đông, còn ngược lại ở một số huyện ngoại thành, học sinh lại không đủ trong 1 lớp”.

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu học sinh. Mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000 - 50.000 học sinh, đòi hỏi TP cần chỉ đạo, triển khai xây dựng trường học mới kể cả trường công lập và ngoài công lập mỗi năm từ 30-40 trường học để đáp ứng số học sinh tăng mỗi năm.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, Hà Nội có 4 quận nội thành cũ dân số đông, mật độ dân cư cao nên việc dành quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục được TP và địa phương quan tâm
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, Hà Nội có 4 quận nội thành cũ dân số đông, mật độ dân cư cao nên việc dành quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục được TP và địa phương quan tâm

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Khánh Hưng về chủ trương xây dựng trường 7 trường liên cấp, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương cho biết, hiện các quận, huyện đang nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu và dự kiến sẽ hoàn thành đúng hạn xây dựng 7 trường này.

Trả lời về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, Hà Nội có 4 quận nội thành cũ dân số đông, mật độ dân cư cao nên việc dành quỹ đất xây dựng cơ sở giáo dục được TP và địa phương quan tâm. TP đã triển khai quy chuẩn diện tích đất, trong đó cấp mầm non 8m2/học sinh, THCS là 6m2/học sinh.

Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội có quy định trên cơ sở về khả năng đáp ứng diện tích đất, còn giải quyết đảm bảo đủ lớp học cũng như phòng học chuyên đề cho học sinh, TP chỉ đạo các quận triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó rà soát quỹ đất dành cho công trình giáo dục.