Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẽ tiếp quản một số khu đất “vàng”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở các bộ, ngành và các cơ quan đoàn thể T.Ư tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, có 3 phương án để thực hiện di dời và UBND TP Hà Nội sẽ tiếp quản một số cơ sở nhà đất để phục vụ cho các mục đích đô thị và tạo nguồn vốn để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng.
 
Bốn tiêu chí để di dời
 
Sau khi tiến hành rà soát, đánh giá hiện trạng hệ thống trụ sở làm việc, cơ sở nhà đất, của 36 cơ quan, Bộ Xây dựng đã đưa ra 4 tiêu chí để xác định việc di dời là vị trí, đất đai, cơ sở vật chất, hạ tầng hỗ trợ. Theo đó, số lượng cơ quan di dời trụ sở làm việc dự kiến khoảng 11 bộ, 1 cơ quan thuộc Chính phủ và 5 cơ quan T.Ư, các đoàn thể với tổng nhu cầu 45 - 50ha đất.
 
 
Hà Nội sẽ tiếp quản một số khu đất “vàng” - Ảnh 1
Trụ sở Bộ TN&MT, một trong những Bộ thực hiện di dời. Ảnh: Linh Anh
 
 
Đối với các cơ sở cũ, sau khi di dời các Bộ ngành ra địa điểm mới, sẽ thực hiện việc quản lý sử dụng, chuyển đổi chức năng phù hợp với các quy hoạch, quy chế quản lý của TP Hà Nội. Với những công trình có giá trị về kiến trúc cần bảo tồn, sẽ hạn chế phá dỡ, ưu tiên sử dụng cho các mục đích văn hóa. Với các  trụ sở nằm ở các khu vực có cơ sở hạ tầng tốt, vị trí xa trung tâm, cho phép chuyển đổi sang các mục đích thương mại để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, cần khuyến khích chuyển đổi chức năng các cơ sở cũ sang các mục đích công cộng, không gian xanh phục vụ cho cộng đồng và tạo sự cân đối về cơ cấu đất theo từng khu vực.
 
Các quỹ đất, công trình sau khi di dời sẽ được quản lý chung. Sau khi đánh giá giá trị, khả năng chuyển đổi, một số sẽ do Chính phủ quản lý, một số sẽ giao cho UBND TP Hà Nội quản lý hoặc chuyển đổi chức năng, đấu giá, tạo nguồn vốn xây dựng  chung cho các trụ sở mới. Việc chuyển đổi chức năng của từng lô đất sẽ được UBND TP Hà Nội, Bộ Tài chính đề xuất cụ thể ở các bước tiếp theo, làm cơ sở để định giá trong đấu giá công khai theo quy định pháp luật.
 
Ba phương án triển khai
 
Về nhu cầu vốn, Bộ Xây dựng đề xuất, vốn bồi thường giải phòng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị do UBND TP Hà Nội thực hiện gắn với các dự án khu đô thị đang triển khai. Trên cơ sở đó, sẽ bàn giao đất sạch, có hạ tầng để xây dựng trụ sở các cơ quan T.Ư. 
 
Ba phương án triển khai đã được xác định. Phương án 1, giao cho các Bộ ngành làm chủ đầu tư xây dựng. Phương án 2, giao cho UBND TP Hà Nội làm chủ đầu tư xây dựng hoàn thiện và bàn giao cho các cơ quan sử dụng. Phương án 3, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành. Sau khi đầu tư xây dựng xong, Bộ giao các cơ quan tiếp quản sử dụng. Việc di dời trụ sở các bộ, ngành sẽ dựa vào nguồn vốn nhà nước, nguồn vốn từ chuyển đổi các cơ sở cũ, thực hiện các hình thức đầu tư BOT, BT và PPP và nguồn vốn xã hội hóa.
 
Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo Quy hoạch, đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan T.Ư để triển khai rà soát sắp xếp, đầu tư xây dựng trụ sở làm việc. Ban chỉ đạo và tổ công tác giúp việc sẽ quyết định việc lựa chọn các phương án đầu tư xây dựng, đề xuất các cơ chế chính sách để thu hút nguồn lực và chỉ đạo tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư  xây dựng. Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì rà soát, sắp xếp các cơ sở hiện có. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan có báo cáo đầy đủ về hiện trạng cơ sở nhà đất, phương án sắp xếp và đề xuất nhu cầu phát triển cho các giai đoạn dài hạn. Trách nhiệm của UBND TP Hà Nội là bố trí quỹ đất và hạ tầng cho xây dựng các trụ sở làm việc. UBND TP Hà Nội sẽ tiếp quản một số cơ sở nhà đất để phục vụ cho các mục đích đô thị và tạo nguồn vốn để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Bộ Xây dựng có vai trò là cơ quan chủ trì quản lý về quy hoạch, kiến trúc của trụ sở các cơ quan T.Ư.
 
 
Hai địa điểm để bố trí xây dựng các khu hành chính tập trung là khu trung tâm Tây Hồ Tây và khu Mễ Trì. Tại Tây Hồ Tây, tổng quỹ đất có thể khai thác vào mục đích xây dựng trụ sở khoảng 27ha, dự kiến xây dựng 8 trụ sở bộ ngành, ưu tiên bố trí xây dựng trụ sở các bộ, ngành có nhu cầu di dời trong giai đoạn 1 và có nhu cầu diện tích đất trung bình. Tại khu Mễ Trì, quỹ đất có thể khai thác vào mục đích xây dựng công sở khoảng 20 - 50ha, dự kiến xây dựng trụ sở 3 bộ và 5 cơ quan T.Ư các đoàn thể.