Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội sẽ xây dựng thêm 6 chợ đầu mối

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay có khoảng 80% các loại nông sản, thực phẩm tại Hà Nội được giao dịch qua hệ thống chợ truyền thống. Trước sức ép của gia tăng dân số và nhu cầu mua sắm của người dân ngày càng tăng, TP Hà Nội định hướng đến năm 2030 sẽ xây dựng thêm khoảng 6 chợ đầu mối cấp khu vực với diện tích bình quân từ 20 - 30ha/chợ.

Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ nông sản của người dân Thủ đô khá lớn, trung bình mỗi năm khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng, 54.000 tấn thủy hải sản tươi sống và chế biến, 900.000 tấn rau các loại...
Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 20% các loại nông sản, thực phẩm tại được phân phối qua hệ thống các siêu thị, cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện ích… 80% còn lại được phân phối, tiêu thụ thông qua các chợ đầu mối (kiểu cũ), chợ dân sinh, khiến việc kiểm soát an toàn thực phẩm gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, việc xây dựng chợ cũng còn gặp khó khăn trong khâu đền bù, giải phóng mặt bằng nên nên việc thu hút nguồn lực xã hội hóa tham gia vào công tác đầu tư phát triển hệ thống chợ nói chung, chợ nông thôn và chợ đầu mối tiêu thụ nông sản an toàn nói riêng rất hạn chế.
 Hà Nội định hướng sẽ xây dựng thêm nhiều chợ đầu mối cấp khu vực (Ảnh minh họa).
Thời điểm hiện tại, Hà Nội hiện chỉ có 2 chợ đầu mối, gồm chợ đầu mối phía Nam và chợ đầu mối Minh Khai (chợ đầu mối Minh Khai hoạt động từ trước năm 2012). 4 chợ kinh doanh buôn bán nông sản đang hoạt động có tính chất đầu mối, gồm chợ Long Biên (kinh doanh hoa quả và các loại rau), chợ cá Yên Sở (kinh doanh thuỷ sản), chợ gia cầm Hà Vỹ (kinh doanh gia cầm, thuỷ cầm) và chợ Quảng Bá (kinh doanh hoa).
Các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội đang thực hiện 3 chức năng, gồm: Buôn bán (bán trực tiếp các mối hàng, các hộ kinh doanh tại chợ dân sinh, nhà hàng…); sang mạn (hàng hoá được đưa về cho đầu mối và hạ tải, chia nhỏ cung cấp cho các chợ dân sinh) và chợ dân sinh (người dân ở khu vực xung quanh vào mua hàng nhằm phục vụ tiêu dùng hàng ngày).
Bình quân mỗi ngày các chợ đầu mối ở Hà Nội  tập kết hơn 4.300 tấn thực phẩm. Lượng thực phẩm này cũng chỉ đáp ứng khoảng 1,6 - 3,2% nhu cầu thịt lợn, thịt gà, 20% đối với thuỷ sản và 3,3% đối với rau củ.
Để khắc phục những vấn đề trên, TP Hà Nội đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, sẽ tập trung xây dựng thêm 6 chợ đầu mối cấp vùng, nâng tổng số lên là 8 chợ đầu mối, với diện tích từ 20 - 30 ha/chợ.
Các chợ đầu mối này không chỉ tập trung ở khu vực cận đô, mà còn phát triển ở các huyện có tiềm năng về sản xuất, hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối với nội đô và các vùng phụ cận, các khu vực có tiềm năng về sản xuất, hạ tầng giao thông đồng bộ kết nối với nội đô. Hệ thống này sẽ được xây dựng đồng bộ, có hệ thống kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với chế biến và kênh phân phối hiện đại; nông sản an toàn được kiểm soát từ các chợ đầu mối, sau đó mới đưa tới hệ thống cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh...