Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: sinh viên áp lực vì giá phòng trọ tăng chóng mặt

Ngọc Minh/laodong
Chia sẻ Zalo

Giá phòng trọ tại Hà Nội tăng liên tục khiến cho người thuê lao đao vì khó tìm được nơi trọ giá rẻ, phải chật vật sống trong căn phòng chỉ khoảng 10-15 m2.

Theo tìm hiểu của Lao Động, ngày từ những ngày đầu tháng 8.2024, giá nhà trọ đột ngột tăng từ 20%- 30% so với năm ngoái. Tính riêng từ đầu năm tới nay, nhà trọ tại Hà Nội ghi nhận 2 đợt tăng giá mạnh khi lượng lớn sinh viên từ khắp các tỉnh, thành đổ về Thủ đô.

Tại quận Cầu Giấy, giá thuê phòng trọ nhìn chung cao hơn mức trung bình của toàn thành phố. Trong đó, dạng phòng trọ khép kín, ở ghép, giá thuê phổ biến từ 2-3,5 triệu đồng/tháng với diện tích phòng từ 15-20 m2.

Hiện, khu vực này cũng có khá nhiều chung cư mini mới xây diện tích khoảng 30-40 m2 phòng, có thang máy, an ninh đảm bảo. Giá của dạng phòng này phổ biến từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng, điện 5.000 đồng/số, nước 30.000-35.000 đồng/khối hoặc 100.000 đồng/người.

Khu trọ cũ ở Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm) với diện tích chỉ 15 m2 đã tăng giá thuê từ 1 triệu đồng lên gần 2 triệu đồng.tháng. Ảnh: Ngọc Minh
Khu trọ cũ ở Trần Cung (quận Bắc Từ Liêm) với diện tích chỉ 15 m2 đã tăng giá thuê từ 1 triệu đồng lên gần 2 triệu đồng.tháng. Ảnh: Ngọc Minh

Tại quận Hoàng Mai, giá thuê phòng trọ thuộc các phường Trương Định, Định Công Thượng, Giáp Bát... có diện tích từ 20-25m2 đã tăng từ mức 2 - 2,5 triệu đồng/tháng lên mức 2,7-3,5 triệu đồng/tháng.

Là sinh năm thứ 2 của trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Nguyễn Đức Hải đã có kinh nghiệm thuê trọ. Tuy nhiên, tại thời điểm này, phòng trọ của Hải đã tăng giá từ 3 triệu đồng lên 3,5 triệu đồng/tháng.

"Với khoản tiền trợ cấp ít ỏi từ gia đình, tôi đang phải tính đến việc tìm chỗ ở mới rẻ hơn, nhưng điều đó cũng không dễ dàng, nhất là khi nhiều sinh viên đang lên Hà Nội nhập học" - Hải nói.

Cũng theo kinh nghiệm tìm phòng trọ của Hải, trọ ở những khu vực gần trường đại học giá thuê cao hơn và thường tăng giá mạnh mỗi đầu năm học.

Nguyễn Đình Minh - tân sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền - đang ở trong căn phòng sleepbox siêu nhỏ với giá 1,5 triệu đồng/tháng dù không gian ở căn phòng này nhỏ hẹp, thiếu an toàn phòng cháy chữa cháy.

"Tôi hy vọng thời gian tới, giá thuê sẽ hạ nhiệt, khi đó tôi sẽ chuyển sang nơi có tiện ích tốt hơn" - Đình Minh chia sẻ.

Một phòng trọ rộng khoảng 12m2 có giá thuê gần 2 triệu đồng tại quận Đống Đa. Ảnh: Ngọc Minh
Một phòng trọ rộng khoảng 12m2 có giá thuê gần 2 triệu đồng tại quận Đống Đa. Ảnh: Ngọc Minh

Ngoài ra, kiểu phòng trọ giá rẻ, phổ biến ở vùng ven xa trung tâm là dãy trọ công nhân, giá dao động từ 500.000 - 800.000 đồng/tháng. Đây là những phòng trọ đã xây dựng cách đây nhiều năm, thiết kế cũ và xuống cấp trầm trọng. Giá thuê cũng ít tăng mạnh như trong khu vực nội đô.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh (56 tuổi) - chủ một dãy nhà trọ 7 phòng tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh - mới tăng giá thuê lên 800.000 đồng/phòng. Trước đây, bà cho người lao động, sinh viên thuê với giá là 750.000 đồng/tháng.

"Vật giá leo thang nhanh nên khó giữ được giá cũ. Đối tượng đa số là công nhân thu nhập thấp nên nếu tăng giá cao quá, họ sẽ trả phòng ngay" - bà Quỳnh cho hay.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, hiện nay, chúng ta đang “nợ” phân khúc phòng trọ, nhà cho thuê một hành lang pháp lý. Luật Nhà ở 2023 cũng chưa có quy định riêng về các tiêu chuẩn, quy chuẩn về nhà trọ, mà chỉ quy định chung chung về phòng ở, sẽ dẫn đến việc xây dựng một cách tràn lan, mỗi nơi, mỗi cá nhân làm một kiểu, cơ quan chức năng cũng không có căn cứ để quản lý.

Ông Điệp cho rằng, cần phải nhanh chóng xây dựng một hành lang pháp lý thật rõ ràng, chặt chẽ cho loại hình sản phẩm nhà trọ, phòng trọ cho thuê. Cần có quy định cụ thể về quy mô, như 100 phòng thì như thế nào, 50 phòng thì ra sao và 10 phòng thì như nào. Luật phải cụ thể thì người dân mới nắm được rõ và thực thi đúng luật.