Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết giảm nhẹ

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần qua (từ ngày 3/11 đến hết ngày 9/11) ghi nhận giảm nhẹ so với tuần trước đó, nhưng vẫn ở mức cao.

CDC Hà Nội cho biết, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận 2.530 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã; giảm 60 ca so với tuần trước đó (2.590/0).

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần là Hà Đông 186 ca, Thanh Oai 185 ca, Đống Đa (164), Quốc Oai (152), Thanh Xuân (139), Bắc Từ Liêm (129) và Chương Mỹ (121).

Số ổ dịch ghi nhận trong tuần là 79 ổ dịch tại 21 quận, huyện, thị xã; giảm 28 ổ dịch so với tuần trước (107 ổ dịch). Trong đó Đống Đa 12 ổ dịch; Hai Bà Trưng (10); Bắc Từ Liêm (7); Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín (6); Chương Mỹ, Hoàn Kiếm (4)…

Tính từ đầu năm 2023 đến hết ngày 9/11, Hà Nội ghi nhận 31.013 ca mắc sốt xuất huyết (trong đó có 4 ca tử vong); bệnh nhân phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã; tổng số ổ dịch là 1.757, hiện còn 176 ổ dịch chưa kết thúc hoạt động tại 26 quận, huyện, thị xã.

 Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Quốc Oai.
 Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn kiểm tra công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Quốc Oai.

Thời gian qua, các hoạt động theo dõi, cập nhật thông tin, giám sát, kiểm công tác phòng chống sốt xuất huyết tiếp tục được tăng cường từ tuyến TP đến các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn. Duy trì đội đáp ứng nhanh và thường trực phòng chống dịch.

Hà Nội thường xuyên rà soát, xác minh, cập nhật thông tin ca bệnh trên hệ thống phần mềm Thông tư 54/2015/TT-BYT để phát hiện sớm ca bệnh, ổ dịch kịp thời, hạn chế ổ dịch lan rộng; đặc biệt là phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng nhằm tránh các biến chứng, tử vong.

Đặc biệt, ngay khi dịch sốt xuất huyết bắt đầu, Sở Y tế Hà Nội đã ban hành văn bản chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn rà soát chủ động về giường bệnh, thuốc, hóa chất, dịch truyền… tập trung nhân lực, tập huấn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết Dengue để sẵn sàng tiếp nhận và điều trị người bệnh.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị thành lập và duy trì hoạt động của “Nhóm điều trị sốt xuất huyết Dengue” và đường dây nóng phòng, chống dịch, tăng cường hội chẩn khám chữa bệnh từ xa với các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành.

Ngành sẵn sàng kích hoạt hệ thống báo động đỏ nội viện, ngoại viện trong tình huống người bệnh diễn biến nặng, phức tạp để kịp thời cấp cứu, chuyển viện, chuyển tuyến kịp thời.

Căn cứ Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị sốt xuất huyết Dengue của Bộ Y tế được ban hành vào tháng 7/2023 cũng như để người bệnh mắc sốt xuất huyết Dengue được tiếp cận với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhanh nhất, gần nhất, hạn chế tai biến và tử vong, Sở Y tế đã tổ chức phân tuyến điều trị.

Việc phân tuyến này căn cứ vào năng lực chuyên môn, cơ sở vật chất, khả năng tiếp nhận, năng lực điều trị của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố. Sở Y tế phân công các bệnh viện tuyến I hỗ trợ chuyên môn, chỉ đạo tuyến các đơn vị tuyến II và tuyến II hỗ trợ tuyến III.

Theo đó, toàn ngành có 5 bệnh viện tuyến I là Đống Đa, Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang và Hà Đông. Tuyến II là các bệnh viện đa khoa huyện, Bệnh viện Việt Nam – Cu Ba, Hoè Nhai, Bắc Thăng Long, đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội, Phục hồi chức năng Hà Nội và TTYT Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đống Đa, Tây Hồ, Thanh Xuân.

Các TTYT quận, huyện còn lại và các bệnh viện đa khoa, phòng khám đa khoa tư nhân trên địa bàn là những cơ sở điều trị tuyến III.

Sở Y tế phân tuyến tiếp nhận điều trị người bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn theo nguyên tắc, thứ nhất là cán bộ y tế khám, đánh giá mức độ lâm sàng của người bệnh; yếu tố nguy cơ tiên lượng nặng và các điều kiện để điều trị tại nhà hoặc phải điều trị tại các cơ sở y tế.

Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển độ để xử trí kịp thời; nếu vượt quá khả năng điều trị cần hội chẩn, liên hệ chuyển tuyến sớm, vận chuyển an toàn. Các bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue nặng, diễn biến bệnh phức tạp được hội chẩn và chuyển tuyến Trung ương. 

Ngành y tế Hà Nội đã bố trí 4.200 giường bệnh để phục vụ điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Tổng số bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị nội trú tại các bệnh viện  là gần 2.900 bệnh nhân.

Với các TTYT, Sở Y tế yêu cầu tích cực truyền thông cho người dân tự phát hiện sớm các dấu hiệu mắc sốt xuất huyết, phối hợp chặt chẽ với cộng tác viên, theo dõi diễn biến dịch, phát hiện sớm ca bệnh, xử trí ổ dịch theo quy định hạn chế ca mắc sốt xuất huyết Dengue tại cộng đồng, hạn chế diễn biến nặng, tử vong.