Theo báo cáo của thành phố, thời gian qua, công tác chấp hành pháp luật trong giám định tư pháp của các cơ quan chức năng thuộc Hà Nội được tổ chức nghiêm túc, góp phần tích cực vào công tác tố tụng hình sự.
|
Phó Chủ tịch Thành phố Lê Hồng Sơn phát biểu tại buổi làm việc |
Tuy nhiên, hiện nay, công tác giám định tư pháp cũng còn khó khăn do biên chế cán bộ làm công tác giám định còn thiếu. Hiện, Hà Nội có 38 giám định viên, thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an thành phố (32 người) và Trung tâm Pháp y - Sở Y tế (6 người). Điều kiện vật chất, trang thiết bị cho hoạt động này còn khó khăn. Các cơ chế, quy định còn thiếu đối với một số lĩnh vực giám định phức tạp. Việc xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp theo quy định của Luật Giám định tư pháp chưa được triển khai trên địa bàn Hà Nội. Thông tin, cơ chế phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp chưa kịp thời...
Trên cơ sở đánh giá toàn diện công tác giám định tư pháp, Hà Nội kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp theo hướng hoàn thiện chính sách đãi ngộ, thu hút nhân lực làm giám định tư pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu người có trình độ làm công tác giám định tư pháp, nhất là giám định pháp y. Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp, thành phố cũng kiến nghị cần quy định nhiệm vụ quản lý cho trực tiếp các bộ, ngành quản lý ở từng lĩnh vực giám định và các cơ quan này chịu trách nhiệm trước Chính phủ về bảo đảm nguồn nhân lực và các điều kiện cần thiết khác đáp ứng tốt yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng, vì bản chất hoạt động giám định là hoạt động chuyên môn phục vụ cho hoạt động tố tụng, không nên giao cho Bộ Tư pháp quản lý chung như hiện nay.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm đối với chất lượng, tiến độ công tác giám định tư pháp phục vụ điều tra, xử lý vụ án hình sự; công tác giám định với một số loại hình tội phạm, lĩnh vực đặc thù; những khó khăn, vướng mắc về pháp lý, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan pháp y, cơ sở vật chất trong triển khai công tác giám định... nhằm đóng góp vào việc xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi).
Phát biểu kết luận buổi làm việc giám sát, đồng chí Nguyễn Văn Pha ghi nhận, về cơ bản, UBND TP, Sở Tư pháp, Sở Y tế và các cơ quan liên quan của Thành phố đã chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về giám định tư pháp. Mặc dù số lượng các vụ việc giám định rất nhiều, nhưng số vụ việc giám định đã kết luận đạt tỷ lệ cao, chính xác, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan tố tụng.
Trong thời gian tới, Đoàn đề nghị UBND Thành phố tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, cán bộ, để các cơ quan giám định tư pháp trên địa bàn đáp ứng được yêu cầu công tác; có cơ chế chính sách đặc thù để tuyển chọn, thu hút các cán bộ có trình độ chuyên môn thuộc các chuyên ngành còn thiếu để bổ nhiệm làm giám định viên theo vụ việc.
Đồng thời, sớm thành lập các tổ chức giám định theo vụ việc ở những lĩnh vực thường xảy ra tội phạm. Chỉ đạo các ngành liên quan thường xuyên tổ chức các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các giám định viên tư pháp; tăng cường công tác thanh kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm của các cơ quan tư pháp và giám định tư pháp để xử lý các vi phạm nếu có.