Hà Nội: "Sốt" xây nhà "chọc trời"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhà cao tầng tại Hà Nội nói riêng mới nở rộ trong khoảng 10 năm trở lại đây. Bắt đầu từ các dự án khách sạn, văn phòng cho thuê rồi lan rộng sang lĩnh vực nhà ở, chung cư cao cấp.

KTĐT - Nhà cao tầng tại Hà Nội nói riêng mới nở rộ trong khoảng 10 năm trở lại đây. Bắt đầu từ các dự án khách sạn, văn phòng cho thuê rồi lan rộng sang lĩnh vực nhà ở, chung cư cao cấp.

Sự phát triển kinh tế và đô thị của Hà Nội thời gian qua có thể thấy rõ nhất qua việc các toà nhà cao ốc mọc lên ngày càng nhiều, đi kèm với đó, các kỷ lục về độ cao liên tục được xác lập và thay thế. Phải chăng phát triển theo chiều cao đang là xu hướng tất yếu và mạnh mẽ của Thủ đô?

Nhà cao tầng tại Hà Nội nói riêng mới nở rộ trong khoảng 10 năm trở lại đây. Bắt đầu từ các dự án khách sạn, văn phòng cho thuê rồi lan rộng sang lĩnh vực nhà ở, chung cư cao cấp. Khoảng 5 năm về trước, sự xuất hiện các toà nhà 17-20 tầng đã góp phần đem đến những trải nghiệm đầu tiên về bộ mặt kiến trúc hiện đại, mới lạ và văn minh. Nhưng không dừng ở đó, vài ba năm trở lại đây mức độ cao tầng ngày càng được nâng lên.

Thời điểm cuối năm 2006, nói đến toà nhà cao nhất Thủ đô, người ta nhắc ngay đến Vinaconex với khối nhà 34 tầng, chiều cao 135m trong khu đô thị đình đám lúc đó là Trung Hoà Nhân Chính. Hiện tại, toà M5 33 tầng trên đường Nguyễn Chí Thanh cũng được xếp vào hàng cao ốc. Nhưng tất cả sẽ trở nên lỗi thời khi chỉ 1 năm nữa thôi, toà tháp được cho là cao nhất Việt Nam là Keangnam Hanoi Landmark Tower 70 tầng với chiều cao 336m nằm trên đường Phạm Hùng được vào sử dụng.

Như vậy, nếu tính những công trình hiện hữu thì có thể nói chỉ trong vài năm, mức độ chênh lệch về độ cao đã là gấp đôi giữa các công trình mới và cũ. Song nếu căn cứ vào tình hình cấp phép xây dựng thì kỷ lục của Keangnam hiện đã bị phá vỡ, nhường chỗ cho toà PVN Tower 102 tầng ở xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).  

Cùng cần nói thêm rằng, trước thời điểm PVN Tower được cấp phép, khi Keangnam Hanoi Landmark Tower còn đang giữ vị trí quán quân về độ cao thì xếp ngay sau đó là tổ hợp Hanoi City Complex do Tập đoàn Lotte cũng của Hàn Quốc làm chủ đầu tư với chiều cao đăng ký là 65 tầng trên phố Đào Tấn – Liễu Giai; kế tiếp là toà nhà Trung tâm Thương mại – Dịch vụ Cầu Giấy cao 50 tầng vừa được khởi công tại số 302 Cầu Giấy.

Sau PVN Tower hiện chưa thể khẳng định dự án nào có thể “vượt mặt” nhưng theo giới chuyên môn, làn sóng xây dựng các toà nhà “chọc trời” ở Hà Nội vẫn còn tiếp diễn sôi nổi, nhất là tại các khu đô thị mới, vùng mở rộng, hứa hẹn nhiều bất ngờ trong tương lai không xa. Cùng với xu thế này, độ cao trung bình của các toà nhà cũng dự báo tiếp tục tăng lên. Nếu hiện tại, con số ưu thế đang ở mức trên 30 tầng, thì tới đây phổ biến sẽ là 45-50 tầng.

Ảnh minh họa



Hiệu quả kinh doanh hay đánh bóng thương hiệu?

Giới chuyên môn trong lĩnh vực bất động sản nhìn nhận, sự xác lập và thay thế ngày càng nhanh chóng các kỷ lục cao tầng tại Hà Nội là một tín hiệu rất đáng mừng và tích cực.

Bà Trần Thị Tô Thanh, từ phòng Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư của CBRE cho rằng, xu thế phát triển tầm cao, nhất là với một đô thị hiện đại như Hà Nội là điều tất yếu. Bản thân việc xuất hiện những toà nhà cao tầng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của hàng loạt nhân tố xung quanh. Trong đó phải kể đến sự “nâng tầm” trong lĩnh vực xây dựng, từ năng lực tài chính của chủ đầu tư, năng lực thiết kế, kết cấu, trình độ công nghệ, thi công và quản lý đến chính đội ngũ tham gia như công nhân viên, kỹ sư cũng như các đơn vị hỗ trợ...

Nhờ đó sản phẩm bất động sản Việt Nam mới có nhiều điểm khác biệt, đưa đến những trải nghiệm mới mẻ cho người sử dụng.

Về mặt ưu điểm, việc xây dựng các toà nhà cao tầng không chỉ làm tăng hiệu quả sử dụng đất trong bối cảnh quỹ đất hạn hẹp, từ đó làm tăng hiệu quả kinh doanh của chủ đầu tư mà với một số công trình nó còn mang ý nghĩa biểu tượng rất lớn, không chỉ thể hiện tên tuổi, vị thế của doanh nghiệp mà còn gắn liền với sự phát triển của kinh tế của lĩnh vực và vùng miền.

Nhưng bên cạnh đó, một chuyên gia của Bộ Xây dựng cũng bày tỏ quan điểm cho rằng nhà cao tầng ở Hà Nội cần phải đặt vấn đề mức độ, bởi nền đất ở khu vực Hà Nội nhìn chung tương đối yếu. Việc xử lý nền đất để xây nhà cao tầng xét riêng yếu tố kỹ thuật là rất tốn kém, ảnh hưởng đến giá thành xây dựng cũng như an toàn trước các hiện tượng bất thường.

Quan trọng hơn là khâu quy hoạch, cần phải tính toán có những khống chế nhất định về mật độ xây dựng để không tạo thêm những áp lực quá tải lên hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội cũng như làm mất cân đối kiến trúc đô thị. Công tác quy hoạch phải đi trước, thống nhất và minh bạch để định hướng cho doanh nghiệp và người dân. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần