Những chuyển biến bước đầu
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua, ngành trồng trọt đã chuyển dịch theo hướng chuyên canh, tăng diện tích cây ăn quả đặc sản: Cam Canh, bưởi Diễn, chuối tiêu hồng, ổi không hạt, đu đủ ruột tím…, hoa, cây cảnh có giá trị cao. Ngành chăn nuôi đã đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất…
Điển hình như xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) thành công với việc chuyển diện tích cấy lúa hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả. Hiện, toàn xã có 162 ha trồng bưởi tôm vàng. Sản phẩm bưởi tôm vàng Thượng Mỗ đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp nhãn hiệu tập thể và được UBND TP Hà Nội công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Theo Chủ tịch UBND xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) Nguyễn Văn Hùng, cây bưởi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đáng kể trong việc tăng thu nhập cho người dân địa phương. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 77 triệu đồng/người/năm.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng chia sẻ, theo lộ trình phát triển mà Hà Nội đề ra, từ nay đến năm 2025, huyện Đan Phượng sẽ trở thành quận.
Với lộ trình này, cùng với hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, huyện Đan Phượng chú trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, thúc đẩy các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.
Tại huyện Mê Linh đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, như: Vùng trồng rau an toàn 3.600ha, vùng trồng hoa cây cảnh 2.000ha… từng bước hình thành nền nông nghiệp hàng hóa mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Tiêu biểu như trang trại của ông Nguyễn Tiến Dũng (xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) với quy mô 4.000m2 trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao, mang lại doanh thu gần 18 tỷ đồng/năm.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, tái cơ cấu ngành vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô. Cụ thể, đến nay vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là chế biến sâu; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; số lượng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn ít nên việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn…
Cần cơ chế, chính sách mới phù hợp thực tiễn
Thực tế, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng đề án tái cơ cấu, tạo cơ chế để phát triển nông nghiệp trên cơ sở những lợi thế đặc thù. Huyện Chương Mỹ đang tích cực triển khai Đề án “Phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông sản sạch, tiếp tục sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao; tăng cường xúc tiến tiêu thụ sản phẩm huyện Chương Mỹ giai đoạn 2021 - 2025” với trọng tâm là tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn.
Cơ cấu ngành nông nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Để Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy và Quyết định số 731/QĐ-UBND của UBND TP phát huy hơn nữa hiệu quả trong thực tiễn phát triển, cùng với những giải pháp nêu trên, việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp cũng như quy hoạch lại các khu vực sản xuất, tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại... cũng cần được xem là nhiệm vụ ưu tiên.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại
Năm 2022, huyện Phúc Thọ đã ban hành Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo”. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ xây dựng các vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, theo hướng hữu cơ gắn với sơ chế, chế biến và liên kết theo chuỗi giá trị; đồng thời ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong quản lý, giám sát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Đề cập về những đầu việc chính của nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định: Nông nghiệp Thủ đô có đặc thù riêng, do vậy, cần có hướng đi riêng để phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có của Thủ đô như nguồn nhân lực khoa học công nghệ, đồng thời tạo nguồn vốn để đầu tư phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao.
Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao đời sống người dân, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục duy trì và phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ tại các vùng chuyên canh tập trung; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, xây dựng thương hiệu và hướng tới xuất khẩu.
TP sẽ phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị. Ngoài ra, Hà Nội sẽ phát triển cây, con giống, phấn đấu trở thành trung tâm cung cấp cây, con giống cho các địa phương trong cả nước.
Thời gian tới, Sở NN&PTNT nghiên cứu, tham mưu với UBND TP Hà Nội về chính sách hỗ trợ nghiên cứu bảo vệ, phát triển, sản xuất các loại giống đặc sản bản địa; đồng thời tạo cơ chế hỗ trợ nhập các loại giống gốc giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao để hình thành cơ sở sản xuất giống.