Hiệu quả bước đầu tích cực
Thông tin tại hội thảo “Chuyển đổi số trong công tác quản lý chất lượng, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông lâm thuỷ sản” tổ chức sáng 8/12, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số được TP đặc biệt quan tâm. Mới đây nhất, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 08/2023/NQ-HĐND, trong đó có nhiều nội dung hỗ trợ cụ thể.
Cụ thể hoá cơ chế, chính sách hỗ trợ của Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, toàn TP đã xây dựng được 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số hiện nay chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Nội. Các mô hình ứng dụng hiệu quả tập trung nhiều tại các huyện: Mê Linh, Gia Lâm, Thường Tín, Đông Anh, Thanh Oai, Đan Phượng…
Nhìn chung, công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực ngành nông nghiệp bước đầu đã tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động cụ thể về chuyển đổi số trong các cơ quan, đón vị, tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh nông lâm sản và thủy sản. Một số phần mềm ứng dụng công nghệ số trong tạo lập dữ liệu, cung cấp dịch vụ cho cơ sở sản xuất, kinh doanh đã đạt hiệu quả, được đánh giá cao...
Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm TP Hà Nội (check.hanoi.gov.vn) hiện đã hỗ trợ hướng dẫn và cấp tài khoản tham gia quản lý, duy trì hệ thống quản lý cho 3.430 cơ sở; đã cấp 13.353 bộ mã truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản đủ các tiêu chí về an toàn thực phẩm lên hệ thống.
Mặc dù vậy, đại diện Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản Hà Nội nhìn nhận, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung vẫn là mới. Hiện, chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định cụ thể trong lĩnh vực chuyển đổi số nên công tác triển khai bước đầu còn lúng túng.
Việc ứng dụng các công nghệ chuyển đổi số trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản như việc áp dụng IoT, cảm biến trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất vẫn chưa được nhiều. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán.
Tiền đề tái cơ cấu nông nghiệp
Theo Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, năm 2023 chứng kiến sự đổi thay mạnh mẽ trong lĩnh vực chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. “Bức tranh chuyển đổi số không quá xa vời mà đang hiện hữu, và sẽ đóng vai trò quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp…” - ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.
Đánh giá cao ý nghĩa hội thảo do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức sáng 8/12, ông Nguyễn Quốc Toản nhận định năm 2024 sẽ còn nhiều khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp; điều này đặt ra đòi hỏi cần xác định nút thắt để tháo gỡ. Ở đó, khâu bảo quản, chế biến rất quan trọng đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Lãnh đạo Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp cũng đã đề xuất một số giải pháp chuyển đổi số trong riêng vấn đề về vệ sinh và an toàn thực phẩm. Đó là tích hợp hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm (sử dụng công nghệ blockchain, ứng dụng AI); sử dụng ứng dụng di động trong quản lý (tích hợp cảm biến IoT). Đồng thời nhấn mạnh vai trò của người dân, “khi người nông dân không tiếp cận được thì rất khó để có thể chuyển đổi số nông nghiệp thành công…”.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, chuyển đổi số là nhu cầu bắt buộc, có thể tạo đột phá trong phát triển kinh tế nói chung, lĩnh vực nông nghiệp và khái cạnh chất lượng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông lâm thuỷ sản nói riêng. Thời gian tới, ngành NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản có sử dụng công nghệ chuỗi khối (blockchain). Thử nghiệm, chuyển giao, áp dụng các mô hình, giải pháp nông nghiệp số phù hợp với điều kiện của Hà Nội.
Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của người dân, chủ thể sản xuất, kinh doanh. Đồng thời cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn TP tổ chức tập huấn, hướng dẫn và đào tạo kiến thức, kỹ năng cho người nông dân, hướng dẫn người nông dân sử dụng các dịch vụ số của cơ quan quản lý nhà nước về nông nghiệp, nông thôn.
Ngành NN&PTNT Hà Nội cũng sẽ xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giới thiệu các nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử liên quan đến ngành giúp người dân nắm bắt, thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp trên môi trường số...
“Nếu như những năm trước, chuyển đổi số là điều xa xăm, lý thuyết, thì nay đã len lỏi vào đời sống hàng ngày và thực tiễn sản xuất. Chuyển đổi số không quá xa vời mà có thể bắt đầu từ những việc đơn giản nhất, và chưa bao giờ Việt Nam có “thời gian vàng” để chuyển đổi số như hiện nay…” - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản.