Hà Nội tăng cường giải pháp giảm thiểu khí thải nhà kính

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới, TP Hà Nội đã và đang phải hứng chịu những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra với tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan có xu hướng ngày càng tăng, ví dụ như nắng nóng kéo dài, rét đậm rét hại... Với việc tham gia dự án “Cam kết thành phố tham vọng” từ tháng 10/2017, Hà Nội đang nỗ lực từng bước để giảm thiểu khí nhà kính (KNK).

 Xe quét bụi tự động trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: Chiến Công
Nâng cao năng lực dự báo

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Lê Tuấn Định, hiện nay, dân số của Thủ đô Hà Nội khoảng trên 7,7 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm trên 40%. Với sự góp mặt của 17 khu công nghiệp, trên 1.300 làng nghề, 5,3 triệu xe gắn máy và 560.000 ô tô, TP mỗi ngày tiêu thụ ước tính 38 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu… Đây chính là nguồn phát thải KNK gây biến đổi khí hậu (BĐKH).
Được biết, từ tháng 12/2015, TP Hà Nội và C40 đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm giúp hai bên có cơ sở hợp tác hiệu quả hơn trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. Năm 2018, Hà Nội đã gửi thư cam kết đến C40 về việc lập kế hoạch hành động về khí hậu mang tên “Thời hạn 2020” cho TP. Bên cạnh đó, từ tháng 10/2017, Hà Nội đã chính thức tham gia Dự án “Cam kết thành phố tham vọng” được tổ chức thực hiện bởi ICLEI, dưới sự tài trợ của Bộ TN&MT, xây dựng và an toàn hạt nhân Liên bang Đức và Tổ chức Sáng kiến vì Khí hậu toàn cầu (BMU) với mục tiêu cam kết tham gia cắt giảm khí thải nhà kính, hỗ trợ xây dựng các chương trình hành động cụ thể và tăng cường vai trò, sự tham gia của các cấp chính quyền trong ứng phó với BĐKH.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện kiểm kê KNK, tập trung vào 2 lĩnh vực: Chất thải và năng lượng. Đối với chất thải khí, ước tính đến năm 2020, phát thải trung bình của Thủ đô là 4,053 triệu tấn CO2. Trong đó, phát thải KNK từ các bãi chôn lấp khoảng 2,35 triệu tấn CO2 tương đương (chiếm 57,97% tổng phát thải KNK trên địa bàn TP) là hoạt động phát thải KNK nhiều nhất. Đối với lĩnh vực năng lượng, dự báo đến năm 2020, phát thải KNK trên toàn TP tăng lên đến 18,2 triệu tấn CO2 tương đương và đến năm 2030 con số này tăng lên đến 42,7 triệu tấn (tức tăng lên hơn 3 lần so với mức phát thải năm 2015). Hiện tại, TP Hà Nội đã cập nhật kịch bản BĐKH theo kết quả “Kịch bản BĐKH và nước biển dâng” mới nhất của Bộ TN&MT ban hành” – ông Lê Tuấn Định cho biết.

Hiện nay, Hà Nội đã hoàn thành việc nâng cao năng lực dự báo; chủ động phòng, chống thiên tai; ứng phó và thích ứng có hiệu quả với BĐKH để giảm nhẹ các thiệt hại do thiên tai gây ra; triển khai có hiệu quả các hoạt động nâng cao nhận thức, gắn kết lồng ghép các biện pháp ứng phó với BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP; giảm mức phát thải KNK, hoàn thành mục tiêu từ 8 - 10% trên đơn vị GDP so với năm 2010. Về quản lý tài nguyên, TP đã sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch; bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng đạt 7,5%; quản lý theo quy hoạch 92.000ha đất trồng lúa. Hoàn thành công tác lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai theo hướng hiện đại.

Đẩy mạnh đầu tư dự án về môi trường

Về công tác bảo vệ môi trường, TP Hà Nội đã hoàn thành việc xử lý ô nhiễm 25/25 cơ sở theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”; thu gom và xử lý 90% chất thải nguy hại, 100% chất thải y tế; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị của 12 quận và thị xã Sơn Tây đạt 98%, của 17 huyện ngoại thành đạt 89%. 100% dân cư đô thị, gần 55% dân cư nông thôn trên địa bàn TP được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; tăng diện tích cây xanh đô thị đạt 10 - 12m2/người theo quy hoạch…

Tại hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH” do Sở TN&MT Hà Nội phối hợp với tổ chức C40 (Nhóm các thành phố dẫn đầu về sáng kiến khí) và ICLEI (Hội đồng quốc tế về sáng kiến môi trường địa phương) tổ chức mới đây, các chuyên gia đánh giá cao những nỗ lực của TP Hà Nội trong việc thích ứng với BĐKH, nhất là trong phát thải KNK. Đồng thời, có những trao đổi thẳng thắn, góp phần xây dựng kế hoạch ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả và huy động được các nguồn lực để cùng hành động ứng phó với BĐKH cho TP.

Ông Lê Tuấn Định cho biết, về các giải pháp quản lý môi trường bền vững trong giai đoạn tiếp theo, TP sẽ chỉ đạo quyết liệt, đầu tư và triển khai các dự án về môi trường; duy tu, duy trì 104 hồ điều hòa, duy trì và đầu tư xây dựng thêm các nhà máy xử lý nước thải. Phấn đấu đến năm 2019, toàn bộ nước thải các quận nội thành cơ bản được xử lý, nhằm cải thiện nước sông Tô Lịch và sông Nhuệ; đầu tư và vận hành hiệu quả nhà máy đốt rác phát điện; triển khai chương trình trồng một triệu cây xanh; thống kê, đánh giá và đề xuất giải pháp quản lý phát thải KNK trên địa bàn TP đối với lĩnh vực chất thải và năng lượng. Đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu lắp đặt và vận hành 38 trạm quan trắc không khí theo quy hoạch đã được duyệt nhằm đánh giá chất lượng không khí của TP, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng không khí. “Cùng đó, Hà Nội quản lý chặt chẽ vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước ngầm; hạn chế ô nhiễm chất lượng nguồn nước mặt, khai thác hợp lý để phục vụ cấp nước sạch” - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần