Hà Nội: Tăng cường nghiên cứu và giải pháp hạn chế đốt rơm rạ

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 28/7, Sở TN&MT Hà Nội phối hợp Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng và Mạng lưới Không Khí Sạch Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ đánh giá hiện trạng và kết quả của TP trong việc hạn chế đốt rơm rạ.

 Toàn cảnh Hội thảo. (Ảnh: Hà Ánh)
Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ đốt rơm rạ đã giảm rõ rệt, cụ thể: huyện Mê Linh 30%; Quốc Oai: 15%; Thanh Oai: 1%; Thường Tín: 0,7%; …
Để đạt được những kết quả trên, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, về quản lý nhà nước, nhất là sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý thí điểm rơm rạ tại các quận, huyện.
Tuy nhiên, dù đã giảm, nhưng thực trạng đốt rơm rạ trên địa bàn TP Hà Nội vẫn tái diễn theo mùa vụ. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa thực sự nhận thức được tác hại của việc đốt rơm rạ nên vẫn còn hiện tượng đốt tự phát tại các địa phương. Mặt khác, các địa phương chưa chủ động nguồn kinh phí cho các xã trên địa bàn, để xử lý rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp; vẫn thiếu chế tài xử phạt và cơ chế giám sát về việc thực thi nhiệm vụ đốt rơm rạ...
Trong thời gian tới, Sở TN&MT Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra liên ngành về tình trạng đốt rơm rạ tại các quận, huyện, thị xã; tham mưu trình UBND TP xem xét phê duyệt Chỉ thị tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường TP.
Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng mô hình tính toán phát thải, giám sát và công bố công khai tình trạng đốt rơm rạ. Cùng với đó là phát triển nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiến tiến, hiện đại trong công tác thu hoạch sản phẩm, thu gom, vận chuyển, xử lý rơm rạ...
Bà Lê Thanh Thủy – Trưởng phòng Quản lý dự án và Truyền thông (Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội) cho biết: “Hiện nay đối tượng đốt rơm rạ là những người nông dân với thu nhập còn hạn chế, vì vậy chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát các văn bản pháp chế, có thể dùng nguồn ngân sách để hỗ trợ cho bà con nông dân trong dùng chế phẩm sinh học. Nhưng chế phẩm sinh học không phải là phương pháp cuối cùng, hay duy nhất để xử lý rơm rạ mà còn phải đòi hỏi các giải pháp đồng bộ, phù hợp với điều kiện từng địa phương mới đem lại hiệu quả bền vững.”
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Hoàng  Anh Lê - Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã đưa ra các giải pháp mới đang trong quá trình nghiên cứu nhằm nhằm hạn chế đốt rơm rạ như làm các viên nhiên liệu sinh học, sử dụng phối trộn với các vật liệu khác để làm việc liệu mới, vật liệu thay thế.
“Trong tương lai, hướng tới sản xuất dưới dạng năng lượng như sản xuất điện với các nhà máy điện có công suất nhỏ sẽ rất phù hợp với các địa phương giúp cách quản lý, vận hành đơn giản hơn. Nếu được triển khai thì đây là một trong những giải pháp để hạn chế đốt rơm rạ trên địa bàn TP Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trên cả nước.”- PSG.TS Hoàng Anh Lê cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần