Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Tăng cường quản lý kinh doanh hóa chất

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Với mục tiêu nâng cao công tác quản lý an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hoá chất trong lĩnh vực công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai việc tuyên truyền, kiểm tra. Qua đó phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất và vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn.

Đẩy mạnh kiểm tra phòng ngừa sự cố

Thực hiện kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 15/5/2023 triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2040, ngành công thương Thủ đô đã cấp mới, điều chỉnh 110 Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất công nghiệp; thu hồi 14 Giấy chứng nhận do doanh nghiệp không còn đủ điều kiện.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng công tác quản lý an toàn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng hoá chất trong lĩnh vực công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội đã thanh kiểm tra 54 doanh nghiệp, qua đó đã phát hiện 26 doanh nghiệp có vi phạm trong hoạt động kinh doanh hóa chất, ra quyết định xử phạt 625 triệu đồng.

Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện cơ sở san chiết khí N20 tại huyện Hoài Đức . Ảnh: Hoài Nam
Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện cơ sở san chiết khí N20 tại huyện Hoài Đức . Ảnh: Hoài Nam

Đánh giá về công tác quản lý hoạt động hóa chất trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng cho biết, nhìn chung các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hóa chất trên địa bàn Hà Nội đã có ý thức tuân thủ quy định về an toàn hóa chất, phòng cháy chữa cháy, môi trường, lập hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

“Doanh nghiệp đã chủ động rà soát việc thực hiện quy định pháp luật trong quản lý hoá chất, như lập Kế hoạch phòng ngừa, đầu tư trang thiết bị, phương tiện ứng phó sự cố hoá chất, tổ chức huấn luyện an toàn hoá chất, phân loại, ghi nhãn hoá chất, rà soát, trang bị, bố trí thiết bị ứng phó sự cố, chữa cháy đầy đủ và phù hợp với quy mô, đặc tính nguy hiểm của hoá chất…”-ông Thắng thông tin.

Khi Luật chưa theo kịp thực tế

Theo các chuyên gia kinh tế, để tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp nền tảng, Quốc hội đã ban hành Quyết định 06/207/QH12 về ban hành Luật Hóa chất qua đó xây dựng ngành công nghiệp hóa chất hiện đại, bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên... Tuy nhiên, sau 15 năm triển khai đã xuất hiện một số bất cập cần khắc phục.

Luật Hóa chất có phạm vi điều chỉnh quá rộng, đến các tổ chức, cá nhân sử dụng nhưng không giới hạn hóa chất đó có nằm trong danh mục sản xuất, kinh doanh có điều kiện hay hạn chế sản xuất, kinh doanh hay không. Điều này dẫn đến việc các cơ sở hiện nay sử dụng hóa chất đều thuộc diện phải lập Biện pháp phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất và hằng năm phải thực hiện báo cáo về công tác an toàn hóa chất với Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó sản xuất, kinh doanh hóa chất được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhưng quy định hiện hành về nội dung giấy phép và giấy chứng nhận đủ điều kiện đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh do Bộ Công Thương và Sở Công Thương thực hiện lại không có sự khác biệt về giới hạn số lượng, khối lượng trong sản xuất, kinh doanh.

Các loại hóa chất bầy bán tại hộ kinh doanh trên phố Hàng Hòm (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam
Các loại hóa chất bầy bán tại hộ kinh doanh trên phố Hàng Hòm (Hoàn Kiếm). Ảnh: Hoài Nam

Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng hóa chất trong sản xuất công nghiệp đang ngày càng tăng cao nên nhưng quy định về việc cấp Giấy chứng nhận lại dựa trên nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và được ghi rõ trong giấy chứng nhận đủ điều kiện, trong khi nhu cầu ngày càng tăng dẫn đến phiền hà cho doanh nghiệp.

Ngoài ra doanh nghiệp, hộ kinh doanh hóa chất tuy được mua bán trực tiếp không phải lưu kho, nhưng trong Luật Hóa chất lại bắt buộc phải có kho chứa, điều này dẫn đến hiện tượng các doanh nghiệp nhỏ phải đi thuê kho giữ hàng hóa để bảo đảm đủ điều kiện kinh doanh. Thực tế cho thấy đã có các doanh nghiệp chỉ kinh doanh hóa chất tại khu vực miền Bắc lại thuê kho ở miền Trung, miền Nam, nhưng không sử dụng mà chỉ nhằm đáp ứng điều kiện khi xin cấp Giấy chứng nhận.

Tương tự, đối với Giấy phép sản xuất kinh doanh hóa chất hạn chế thì Nghị định 82/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 113/2017/NĐ-CP đã quy định giới hạn còn 5 năm kể từ ngày cấp. Nhưng đối với giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất có điều kiện thì lại có giá trị không thời hạn. Điều nay dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất không quan tâm đến việc duy trì các điều kiện trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định.

Để khắc phục những bất cập này theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Đình Thắng, thời gian tới cơ quan chức cần xem xét sửa đổi Luật Hóa chất năm 2007 theo hướng thiết kế lại mô hình hệ thống kinh doanh hóa chất, giảm các khâu trung gian trong kinh doanh để công tác quản lý Nhà nước, sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất an toàn, hiệu quả.