Thực hiện nhiệm vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) theo Nghị quyết số 15- NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030 “Thủ đô Hà Nội là Thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định: Xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu “hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng mang tính đột phá; xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng” và những định hướng xây dựng Thủ đô Hà Nội tại Nghị quyết Đại hội đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII; Quyết định số 770/QĐ-BTP ngày 22/5/2023 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch soạn thảo Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan, đơn vị thành viên Tổ Biên tập xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xây dựng, hoàn thiện dự án Luật: Đăng tải hồ sơ dự án Luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Cổng Thông tin điện tử UBND TP Hà Nội; gửi lấy ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức liên quan. Các ý kiến đóng góp đã được Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)
Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội đồng thẩm định dự án Luật ngày 14/8/2023. Trên cơ sở ý kiến thẩm định, Bộ Tư pháp đã chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu kèm theo để trình Chính phủ.
Thường trực Chính phủ đã họp cho ý kiến về Dự án Luật ngày 22/8/2023. Tại Phiên họp thường kỳ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 (ngày 24/8/2023), Chính phủ đã xem xét, thông qua dự án Luật để trình Quốc hội.
Ngày 30/8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 135/NQ-CP của Chính phủ Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8/2023, Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND TP Hà Nội tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật; Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, ký trình Quốc hội dự án Luật.
Nhiệm vụ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Thành phố, nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 60 điều (tăng 3 chương 33 điều so với Luật Thủ đô 2012), quy định toàn diện trên các lĩnh vực. Một số nội dung quan trọng được quy định trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là tăng thẩm quyền của thành phố: Được chủ động về tổ chức bộ máy, biên chế, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chế độ tiền lương; Phân quyền và quy định cơ chế mới về quy hoạch, phát triển văn hoá, giáo dục, y tế, an sinh xã hội, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng TOD; Các biện pháp huy động nguồn lực đất đai để phát triển đô thị, hạ tầng giao thông, chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp; Các biện pháp mới trong bảo vệ môi trường, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, phát triển nhà ở; Giải pháp mới để thu hút, huy động nguồn lực đầu tư xã hội, khai thác tài sản công; tăng cường liên kết Vùng Thủ đô.
Để tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trên địa bàn Hà Nội trong việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và để đảm bảo kịp thời việc chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin & Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí và mạng lưới truyền thanh cơ sở một số nội dung.
Trong đó, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí của thành phố, hệ thống truyền thanh cơ sở tại các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh, tăng cường thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), quan điểm, tinh thần xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), các chính sách và nội dung Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Ngoài ra, chỉ đạo Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tăng cường thời lượng phát sóng trong khung giờ vàng trên kênh phát thanh và kênh truyền hình để tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), quan điểm, tinh thần xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), các chính sách và nội dung dự thảo Luật...