Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: tăng mức hỗ trợ với lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố

Vân Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội được ban hành tại Kỳ họp thứ 17 Quy định Tiêu chí thành lập và tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự, lực lượng dân phòng và bảo vệ dân phố sẽ được tăng mức hỗ trợ bằng lực lượng công an xã bán chuyên trách.

Cụ thể, Nghị quyết Quy định tiêu chí thành lập và tiêu chí số lượng thành viên Tổ bảo vệ ANTT; nội dung, mức chi hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội nêu rõ: mức hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là 2.520 nghìn đồng/người/tháng.

Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hằng tháng cho người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chưa tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, gồm: hỗ trợ đóng Bảo hiểm xã hội, mức 234.000đ/người/tháng; hỗ trợ đóng Bảo hiểm y tế, mức 54 nghìn đồng/người/tháng.

Lực lượng bảo vệ dân phố được Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp hướng dẫn kỹ năng sử dụng thiết bị chữa cháy (Ảnh: Thái San)
Lực lượng bảo vệ dân phố được Cảnh sát PCCC chuyên nghiệp hướng dẫn kỹ năng sử dụng thiết bị chữa cháy (Ảnh: Thái San)

Hỗ trợ chức danh đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là Tổ trưởng Tổ bảo vệ ANTT được hỗ trợ thêm 300.000đ/người/tháng; đối với Tổ phó Tổ bảo vệ ANTT hỗ trợ thêm 200 nghìn đồng/người/tháng.

Hỗ trợ, bồi dưỡng người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ với thời gian làm việc từ 4 giờ trở lên, mức 100 nghìn đồng/người/ngày, gồm: khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động;

Khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng.

Trường hợp 1 người cùng đồng thời tham gia ở nhiều vị trí, nhiệm vụ thì chỉ được hưởng 1 mức hỗ trợ cao nhất.

So với mức hỗ trợ mà các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự đang hưởng thì quy định tại Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội đã có điều chỉnh tăng với lực lượng dân phòng và bảo vệ dân phố. Đồng thời, mức hỗ trợ chức danh cũng được quy định cụ thể với từng trường hợp.

Theo Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung, trên địa bàn TP Hà Nội có 3 lực lượng tham gia phối hợp Công an chính quy trong bảo vệ, bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở gồm: lực lượng Bảo vệ dân phố; Công an xã bán chuyên trách; Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng (việc thành lập, tổ chức, hoạt động và chế độ chính sách được thực hiện theo các quy định của pháp luật).

Tuy nhiên, hiện nay 3 lực lượng là thành phần của Tổ bảo vệ ANTT chưa đồng nhất mức chính sách hỗ trợ: mức hỗ trợ Công an xã bán chuyên trách đang được thực hiện là cao nhất (2.808 nghìn đồng/người/tháng bao gồm cả chi hỗ trợ đóng bảo hiểm);

Lực lượng bảo vệ dân phố Trưởng ban hưởng mức hỗ trợ 1.278 nghìn đồng/người/tháng; Phó Trưởng ban: 1.188 nghìn đồng/tháng; Tổ trưởng: 1.098 nghìn đồng/người/tháng; Tổ phó: 1.062 nghìn đồng/người/tháng; tổ viên tổ bảo vệ dân phố mức 990 nghìn đồng/người/tháng);

Lực lượng dân phòng: Đội trưởng Đội Dân phòng được hỗ trợ 1.404 nghìn đồng/người/tháng đối với vùng I và 1.248 nghìn đồng/người/tháng đối với vùng II; Đội phó Đội Dân phòng được hỗ trợ 1.170 nghìn đồng/người/tháng đối với vùng I và 1.040 nghìn đồng/người/tháng đối với vùng II).

Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung trình bày Tờ trình tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội
Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Hải Trung trình bày Tờ trình tại Kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội

Đồng thời, cả 3 lực lượng trên chưa có sự đồng nhất trong quy định về hỗ trợ trang phục, vũ khí hoặc công cụ hỗ trợ; chế độ hỗ trợ tập huấn, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện; chế độ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.

Căn cứ chỉ đạo của Bộ Công an tại Thông báo số 119/TB-V01 ngày 3/4/2024 và Công văn số 1182/BCA-V05 ngày 4/4/2024, UBND TP đã đề xuất thành viên Tổ bảo vệ ANTT được hưởng mức chính sách hỗ trợ Công an xã bán chuyên trách tại Nghị quyết 21/2023/NQ-HĐND của HĐND TP ngày 8/12/2023.

Việc HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết là phù hợp với thực tế công tác, đồng thời đảm bảo chế độ chính sách cơ bản tương xứng với các chính sách hiện đang áp dụng đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, thu hút được số lao động trẻ tham gia; có sự động viên, khuyến khích lực lượng này an tâm công tác lâu dài.

Tại Nghị quyết này của HĐND TP cũng nêu rõ, mỗi thôn, tổ dân phố thành lập 1 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự theo tiêu chí sau: Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở gồm từ 3-5 thành viên, bao gồm 1 Tổ trưởng, 1 Tổ phó và từ 1-3 tổ viên. Đối với thôn, tổ dân phố có từ 500 hộ gia đình trở lên thì thành lập 1 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với 5 thành viên (gồm 1 Tổ trưởng; 1 Tổ phó; 3 tổ viên); đối với thôn, tổ dân phố có từ 350 hộ gia đình đến dưới 500 hộ gia đình thành lập 1 Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở với 4 thành viên (gồm 1 Tổ trưởng; 1 Tổ phó; 2 Tổ viên); với thôn, tổ dân phố có dưới 350 hộ gia đình thì thành lập 1 Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở với 3 thành viên (gồm 1 Tổ trưởng; 1 Tổ phó; 1 Tổ viên).

Việc kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh có chung vị trí, chức năng, đang cùng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở hiện nay thành một lực lượng chung nhằm góp phần kiện toàn, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách; khắc phục được thực trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng này; bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở địa bàn cơ sở và tập trung nguồn xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở lớn mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.