Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với 8 loại khoáng sản

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 6/7, tại Kỳ họp thứ 7 HĐND TP khóa XVI, 100% đại biểu có mặt tán thành thông qua Nghị quyết sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn Thành phố.

Các đại biểu HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết.
Các đại biểu HĐND TP Hà Nội biểu quyết thông qua Nghị quyết.

Theo đó, sửa đổi mức thu phí tại điểm b khoản 4 Phần B Danh mục các khoản phí và lệ phí ban hành kèm theo Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 của HĐND TP Hà Nội về việc ban hành một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn TP Hà Nội thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP, như sau:

Đá làm vật liệu xây dựng thông thường: 8.000 đồng/m3. Các loại đá khác (Đá vôi, đá sét làm xi măng, Puzolan): 48.00 đồng/m3. Các loại cát khác (Cát san lấp, cát xây dựng...): 7.600 đồng/m3. Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình: 3.200 đồng/m3. Đất sét, đất làm gạch, ngói: 3.200 đồng/m3. Cao lanh: 11.200 đồng/m3. Nước khoáng thiên nhiên: 4.800 đồng/m3. Than bùn 16.000 đồng/tấn.

Hà Nội: Tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với 8 loại khoáng sản - Ảnh 1

Đối với trường hợp khoáng sản không có trong danh mục nêu trên thì áp dụng mức thu tối đa theo Nghị định số 164/2016/NĐ-CP ngày 24/12/2016 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Theo tờ trình của UBND TP, hiện nay, thực trạng nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn TP Hà Nội dần cạn kiệt, việc khai thác khoáng sản trên địa bàn có khả năng gây tác động tiêu cực đến môi trường, nhất là các hoạt động về khai thác cát, đất đá.

Trong khi đó, quy định về mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoảng sản trên địa bàn TP Hà Nội không thay đổi trong thời gian dài. Việc thu của phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản hiện nay đã không còn phù hợp, cần thiết sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn TP Hà Nội theo hướng điều chỉnh tăng mức thu phí hiện hành, theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết số 115/2020/QH14, đáp ứng quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường và vị thế của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời việc tăng mức thu phí cũng tạo được nguồn thu ngân sách từ khoản thu phí để đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường.

UBND TP Hà Nội đề xuất thời gian có hiệu lực của mức phí này được áp dụng từ thời đểm 1/1/2023 để các cấp các ngành có lộ trình thực hiện tốt công tác tuyên truyền kịp thời cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TP được biết và chủ động điều chỉnh phương án sản xuất kinh doanh phù hợp khi có sự thay đổi mức phí.

Đồng thời, việc chưa áp dụng ngay mức thu phí tăng thêm cũng là để giãn bớt các chi phí của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 và phù hợp với chỉ đạo của T.Ư, TP trong triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Báo cáo thẩm tra của Ban KT-NS cho rằng đề xuất điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn TP là đáp ứng các nguyên tắc về thí điểm chính sách thu phí được Quốc hội quy định tại nghị quyết 115/2020/NQ-QH14. Ban thống nhất với đề xuất của UBND TP.