Duy trì nhịp độ thi công
Theo Báo cáo của Cục Thống kê TP Hà Nội, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng 4 ước tính đạt 3.946 tỷ đồng, tăng 8,7% so với thực hiện tháng trước và tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó: vốn NSNN cấp TP 1.520 tỷ đồng, tăng 5,3% và tăng 18,2%; vốn NSNN cấp huyện 2.245 tỷ đồng, tăng 11,1% và tăng 28,5%; vốn NSNN cấp xã 181 tỷ đồng, tăng 8,3% và tăng 42,9%.
Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư từ nguồn NSNN do địa phương quản lý thực hiện được 13.900 tỷ đồng, đạt 17,8% kế hoạch năm, tăng 24,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn NSNN cấp TP 5.500 tỷ đồng, đạt 15,3%, tăng 11,9%; vốn NSNN cấp huyện 7.800 tỷ đồng, đạt 20,2% và tăng 33,4%; vốn NSNN cấp xã 600 tỷ đồng, đạt 18,5% và tăng 43,4%.
Hoạt động xây dựng trong 4 tháng qua tiếp tục được quan tâm chú trọng. Cùng với công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, TP. Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Đến nay các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn TP đang khẩn trương thi công, sớm hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đặt ra.
Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, TP (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85.800 tỷ đồng. Hiện nay, dự án đang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra. Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12.600 tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 8,9%.
Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1): Dự án có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình). Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7.200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.800 tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 28,9% kế hoạch vốn.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai: Dự án cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4 - 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m - 60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách TP, trong đó trên 5.100 tỷ đồng giải phóng mặt bằng; 2.900 tỷ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 7,1% kế hoạch vốn.
Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình: Có chiều dài 6,7 km, điểm đầu kết nối giữa cao tốc Đại lộ Thăng Long với Quốc lộ 21, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, điểm cuối kết nối với đường Hòa Lạc - Hòa Bình; mặt cắt ngang từ 120m - 180m. Tổng mức đầu tư toàn dự án 5.200 tỷ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 6,8% kế hoạch vốn.
Dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1: Với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, dự án được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 67,9 nghìn m2 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông. Quy mô dự án gồm 1 khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Đến nay dự án đã giải ngân 47,4% kế hoạch vốn. Công trình dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2024.
Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội: Dự án được khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy với tổng diện tích 39,6 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng 10,3 nghìn m2. Đến nay dự án đã giải ngân 73,7% kế hoạch vốn. Dự kiến công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trong cuối năm 2024.
Một số dự án, công trình giao thông trọng điểm khác cũng được Thành phố dự kiến khởi công xây dựng trong năm 2024 như: Cầu Thượng Cát đoạn bắc qua sông Hồng với chiều dài 820 m, rộng 33 m, thiết kế 8 làn xe nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh, tổng mức đầu tư 8.300 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố, thời gian thực hiện từ năm 2024 - 2027. Cầu Vân Phúc có chiều dài 7,8 km với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng, điểm đầu dự án tại vị trí giao cắt Quốc lộ 32 thuộc xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ và điểm cuối tại vị trí ranh giới hành chính giữa Hà Nội với huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Xây dựng tuyến đường từ Mỹ Đình (Hà Nội) đến Bái Đính (Ninh Bình) dài 92 km với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Thành phố. Dự án đường gom phía Đông cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 19 km, điểm đầu tuyến tại vị trí nút giao với Tỉnh lộ 427 thuộc xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, điểm cuối tại vị trí đầu cầu chui đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc
Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho biết, năm 2024, kế hoạch đầu tư công của TP Hà Nội là 81.033 tỷ đồng, cao hơn 1,4 lần so với kế hoạch năm 2023. Đáng chú ý, các công trình trọng điểm của TP Hà Nội đều là những công trình có tổng mức đầu tư lớn, việc GPMB, di dời các công trình, cây xanh thường gặp khó khăn bước đầu…
Dự báo năm 2024 còn nhiều thách thức, khó khăn về tỷ lệ giải ngân, huy động nguồn vốn và những tồn tại, vướng måc chuyển tiếp, UBND TP Hà Nội yêu cầu các ngành, địa phương và đơn vị liên quan phải có giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm để giải ngân được hết kế hoạch vốn được giao.
Hà Nội đang tập trung tháo gỡ các vướng mắc dự án trọng điểm. Đơn cử như, để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tiến độ triển khai Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội cho biết, đơn vị đã gửi Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho ý kiến, dự kiến nhu cầu vốn của hiệp định 2 khoảng 6,8 tỷ yên Nhật, tương đương 1.110 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ gói thầu số 4, nhà thầu hiện đã hoàn thiện hồ sơ pháp lý, tổ chức thi công trở lại trên phố Vũ Trọng Khánh (quận Hà Đông) từ ngày 1/4/2024, tiếp tục xin cấp phép thi công các vị trí còn lại, phấn đấu hoàn thành công trình trong năm 2025 như chỉ đạo của TP.
Hoặc như dự án cải thiện hệ thống tiêu thoát nước khu vực phía Tây TP Hà Nội (cứng hóa kênh La Khê) là dự án trọng điểm của Hà Nội, có nhiệm vụ tiêu thoát nước, phòng, chống úng ngập cho khoảng 6.300ha đất sản xuất nông nghiệp thuộc các quận, huyện như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoài Đức... dự kiến, được hoàn thành vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, do chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) đoạn qua quận Hà Đông, nên dự án đã phải nhiều lần gia hạn thời gian hoàn thành. Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Bùi Xuân Hà thông tin, dự kiến kế hoạch cưỡng chế thu hồi đất, GPMB trên địa bàn quận sẽ được chia thành 3 đợt xử lý đối với các trường hợp.
Với, dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Giám đốc Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết: Đến thời điểm hiện tại, các địa phương đã phê duyệt và thu hồi hơn 763 ha trên tổng số/791ha đất cần thu hồi, đạt 96,54%. Những ngày này, khi người dân cả nước đang trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, toàn bộ các gói thầu vẫn duy trì hoạt động, đảm bảo tiến độ.
Năm 2023, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kết quả giải ngân của TP đã có nhiều chuyển biến tích cực với giá trị vốn giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Đến hết ngày 15/1/2024, lũy kế giải ngân của toàn thành phố là 50.690 tỷ đồng, đạt 88,5% kế hoạch TP giao, đạt 108% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, năm 2024, đối với dự án cấp TP, dự án sử dụng vốn ngân sách cấp TP để hỗ trợ mục tiêu cấp huyện cơ bản các đơn vị đều phấn đấu, cam kết giải ngân trên 95% kế hoạch giao của năm 2024.