Hà Nội tạo 162.000 việc làm, cơ hội cho nhiều người lao động

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Để giải quyết việc làm cho 162.000 người lao động trong năm 2023, TP Hà Nội đề ra nhiều giải pháp, quan trọng nhất là tăng cường kết nối cung cầu lao động và tập trung nguồn lực cho các đối tượng vay vốn giải quyết việc làm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).

Xây dựng mạng lưới thông tin thị trường lao động

Năm 2023, UBND TP Hà Nội đặt ra chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 162.000 người lao động (tăng 2.000 người so với năm 2022). Để thực hiện mục tiêu này, TP Hà Nội phát triển thị trường lao động bằng việc tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Sàn giao dịch việc làm TP cũng là giải pháp được Hà Nội thực hiện.

TP Hà Nội đặt ra chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 162.000 người lao động trong năm 2023. Ảnh: Trần Oanh. 
TP Hà Nội đặt ra chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 162.000 người lao động trong năm 2023. Ảnh: Trần Oanh. 

TP xây dựng hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch. Song song với đó là thiết lập mạng lưới thu thập, khảo sát và cập nhật dữ liệu thị trường lao động tại mỗi quận, huyện, thị xã để hình thành cơ sở dữ liệu thị trường lao động TP. Đồng thời đồng bộ, kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách về lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn giải quyết việc làm từ nguồn ngân sách TP ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH cũng là giải pháp được sẽ thực hiện. Các nguồn lực Trung ương và địa phương sẽ được tập trung đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng CSXH.

Năm 2023, huyện Đông Anh tiếp tục phối hợp với Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tạo cơ hội cho người lao động tìm việc, chuyển đổi công việc. Ảnh: Trần Oanh. 
Năm 2023, huyện Đông Anh tiếp tục phối hợp với Sở LĐTB&XH Hà Nội tổ chức các phiên giao dịch việc làm để tạo cơ hội cho người lao động tìm việc, chuyển đổi công việc. Ảnh: Trần Oanh. 

Năm 2023 được dự báo là năm khó khăn đối với phát triển kinh tế Thủ đô. Vì thế để tạo 162.000  việc làm cho người lao động trong năm nay, TP Hà Nội tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với người lao động. “Hà Nội sẽ hình thành mạng lưới thông tin thị trường lao động trực tuyến hiện đại để kết nối cung cầu lao động. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, nhất là nguồn lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó, phát triển mạnh khu vực dân doanh, các DN vừa và nhỏ để nhanh chóng tạo ra việc làm và thu hút người lao động vào sản xuất. Các làng nghề truyền thống được phát triển theo hướng ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao, kết hợp giữa phát triển làng nghề với phát triển du lịch để tạo việc làm cho người lao động” – Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho hay.

Đa dạng các phiên giao dịch việc làm hỗ trợ người lao động

Để giải quyết việc làm cho 162.000 người lao động, TP Hà Nội tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn Giao dịch việc làm (GDVL) TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025 và những năm tiếp theo”. Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết: Chúng tôi tổ chức các phiên GDVL hàng ngày diễn ra đồng bộ tại 15 sàn ở các quận, huyện. Trung tâm tăng cường tổ chức các phiên GDVL chuyên đề, lồng ghép, lưu động tại các quận, huyện, thị xã và các trường đại học trên địa bàn TP. Điểm nhấn năm nay là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các hình thức GDVL, tăng tỷ lệ kết nối giữa DN và người lao động.

Về phía các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động với nhiều giải pháp đồng bộ. Năm 2023, huyện Đông Anh được TP giao giải quyết việc làm cho 10.100 người. “Huyện thực hiện chính sách hỗ trợ học nghề, xuất khẩu lao động, giải quyết tạo việc làm mới cho người lao động thông qua các hoạt động vay vốn từ nguồn quỹ quốc gia về giải quyết việc làm…” – Trưởng phòng LĐTB&XH Đông Anh Nguyễn Đình Thanh cho hay.

Người lao động ứng tuyển phỏng vấn doanh nghiệp tại Phiên giao dịch việc làm lưu động do huyện Gia Lâm phối hợp tổ chức. Ảnh: Trần Oanh. 
Người lao động ứng tuyển phỏng vấn doanh nghiệp tại Phiên giao dịch việc làm lưu động do huyện Gia Lâm phối hợp tổ chức. Ảnh: Trần Oanh. 

Thực hiện chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 8.200 người lao động, huyện Gia Lâm sẽ thu thập thông tin biến động cung – cầu lao động, tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi bền vững cho người lao động. Huyện đảm bảo 100% hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi từ các nguồn vốn tại Chi nhánh Ngân hàng CSXH. Trong quý I/2023, huyện Gia Lâm giải quyết việc làm từ nguồn vốn ngân sách TP và huyện ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH cho vay đối với người thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát cận nghèo và các đối tượng chính sách khác 13,80 tỷ đồng, tạo việc làm cho 260 người lao động.

Quang cảnh một buổi giao dịch giải ngân - thu nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội quận Hà Đông tại phường Đồng Mai. 
Quang cảnh một buổi giao dịch giải ngân - thu nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội quận Hà Đông tại phường Đồng Mai. 

Trong khi đó, quận Hà Đông tiếp tục thực hiện các giải pháp tái cơ cấu và phát triển ngành công nghiệp theo hướng chiều sâu, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất. Quận thúc đẩy phát triển làng nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh và đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với thị trường tiêu thụ một cách hiệu quả và bền vững. Trưởng phòng LĐTB&XH Hà Đông Đỗ Thị Minh Loan cho biết thêm: Quận triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, giải quyết triệt để các kiến nghị của DN…

Cùng với việc theo dõi, cập nhật thường xuyên thông tin cung – cầu lao động, các quận, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở LĐTB&XH Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức những phiên GDVL làm nhằm kết nối người lao động với DN để góp phần giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội./.