Hà Nội: Tạo đột phá trong quá trình tái thiết đô thị

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều quy định được xem là sẽ tạo đột phá trong quá trình cải tạo, tái thiết và chỉnh trang đô thị.

Cụ thể, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22 Dự thảo Luật Thủ đô, các quy định về cải tạo, chỉnh trang được kế thừa từ quy định của Điều 8, 9 và 10 Luật Thủ đô 2012 và chủ trương của Nghị quyết số 15-NQ/TW, đó là cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị và khai thác hiệu quả, bền vững các công trình, không gian lịch sử văn hóa tại khu vực nội đô lịch sử.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định cụ thể yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW. Đặc biệt, quy định tại các Điều 19, Điều 20 và Điều 21 quy định rõ các công việc về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị như trong công tác quy hoạch phải chú ý tới các yếu tố về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, xây dựng không gian công cộng, phát huy các hình thái kiến trúc của những khu vực, công trình có giá trị văn hóa, lịch sử; phát triển không gian xanh, không gian ngầm.

Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong quá trình cải tạo, tái thiết và chỉnh trang đô thị.
Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong quá trình cải tạo, tái thiết và chỉnh trang đô thị.

Ngoài ra, quy định tại Điều 22 của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định những nội dung đặc thù cho công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị Thủ đô, bao gồm: Hỗ trợ cá nhân, tổ chức cải tạo, bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị, nhà ở cũ tại phố cổ, phố cũ theo quy chế quản lý kiến trúc và thiết kế đô thị; Hỗ trợ kiểm định chất lượng công trình tạo điều kiện để khuyến khích người dân cùng tham gia vào công tác bảo tồn, chỉnh trang và tái thiết đô thị tại khu vực nội đô lịch sử và các khu vực khác của Thủ đô.    

Quy định này là đột phá so với các quy định pháp luật hiện hành, nhằm khuyến khích người dân cùng tham gia vào công tác bảo tồn, chỉnh trang và tái thiết đô thị tại khu vực nội đô lịch sử và các khu vực khác của Thủ đô. Đồng thời khác với Luật Đầu tư công, khi Thủ đô sử dụng ngân sách để hỗ trợ người dân chỉnh trang đô thị như quy định ở trên. Nhưng để hoàn thiện hơn nữa, quy định này cần cho phép Nhà nước bằng kinh phí của mình hỗ trợ người dân trong việc cung cấp bản vẽ, thiết kế trong kho tư liệu của nhà nước về công trình hoặc thiết kế phục dựng của các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, những công trình kiến trúc có giá trị cần bảo tồn.

Trong đó, quy định cơ chế hỗ trợ đền bù tái định cư, di dời, chuyển đổi nghề nghiệp; Điều chỉnh chức năng sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết trong khu vực nội đô lịch sử để tái thiết, tái khai thác giá trị, bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị ở khu vực nội đô lịch sử là một cơ chế có tính thúc đẩy công tác giãn dân trong khu vực nội đô lịch sử và cải tạo, chỉnh trang trong khu vực nội đô lịch sử.

Để có thể khai thác “không gian lịch sử văn hóa tại khu vực nội đô lịch sử theo quy định” theo yêu cầu của Nghị quyết số 15-NQ/TW, Điều 22 đã đưa ra giải pháp về xây dựng “Danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử để phục hồi, bảo tồn, phát huy giá trị” và kết hợp với các giải pháp liên quan đến Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô nhằm bảo vệ di sản không gian đô thị đặc thù của Thủ đô là phố cổ, phố cũ.

Những quy định sửa đổi tại Điều 22 cũng nhằm kết hợp giữa bảo tồn di sản văn hoá với công tác cải thiện đời sống dân sinh, nơi ở của người dân sống tại các biệt thự cũ, nhà cổ.

Bên cạnh đó, Điều 22 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng có quy định mới về Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô là một giải pháp về tài chính nhằm thu hút nguồn vốn ở khu vực tư nhân đầu tư đóng góp và đầu tư cho các hoạt động bảo tồn, sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang những công trình kiến trúc ở khu vực nội đô lịch sử nói riêng và công trình kiến trúc khác có giá trị về văn hoá và lịch sử.

Việc thành lập Quỹ bảo tồn bảo tồn khu vực nội đô lịch sử sẽ có nguồn tài chính để thực hiện các dự án bảo tồn, hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, còn có tác dụng nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể liên quan. Mô hình Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử là quỹ tài chính ngoài ngân sách, Nhà nước chỉ hỗ trợ việc hình thành vốn điều lệ và bảo đảm hoạt động ổn định ban đầu của quỹ. Hoạt động của Quỹ sẽ làm giảm gánh nặng về đầu tư của ngân sách TP cho công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết khu vực nội đô lịch sử.