Sở LĐTB&XH Hà Nội đã thông tin về công tác lao động, việc làm năm 2022. Theo đó, thị trường lao động, việc làm đã sôi động trở lại, được ghi dấu ấn bởi sự phục hồi và phát triển mạnh từ tháng 3, khi TP dần thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ các giải pháp ứng phó linh hoạt cùng với nỗ lực không ngừng nhằm phục hồi và phát triển kinh tế của toàn hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, thị trường lao động của TP Hà Nội phục hồi tương đối nhanh, chất lượng việc làm ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Điều này được thể hiện rõ ở năm 2022, TP giải quyết việc làm cho 203.027/160.000 người lao động, đạt 126,9% kế hoạch năm, tăng 23.379 người lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số 203.027 lượt người lao động được tạo việc làm mới, có: 62.700 người được xét duyệt vay vốn từ nguồn vốn ngân sách TP ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn TP Hà Nội với số tiền khoảng 3.000 tỷ đồng; đưa 5.258 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu là thị trường Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc; giải quyết việc làm cho 18.327 người lao động thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm; tự tạo việc làm và tư vấn, giới thiệu việc làm của các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm trên địa bàn TP là 116.742 người lao động.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài hơn 2 năm đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số ngành nghề, dẫn đến tình hình việc làm và thu nhập của người lao động có chiều hướng giảm.
Trước tình hình đó, thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ Về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19", Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tham mưu UBND TP thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường lao động. Các phòng LĐTB&XH tại mỗi địa phương cũng đã hướng dẫn DN xây dựng phương án sử dụng lao động và kiểm tra, giám sát việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động đúng quy định. Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tăng cường cung cấp thông tin, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, nhất là đối với những người mất việc làm. Đến nay, hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường. Theo kết quả điều tra của Cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị ở mức 3,18%, đạt chỉ tiêu <4% do TP đề ra, giảm 0,79 điểm phần trăm so với năm 2021.
Trong năm 2023, Sở LĐTB&XH Hà Nội dự kiến tạo việc làm mới cho 162.000 người lao động. Để thực hiện chỉ tiêu này, Sở LĐTB&XH Hà Nội tiếp tục triển khai tổ chức các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với thị trường lao động, việc làm bền vững.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác DN trong công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo và giải quyết việc làm; xây dựng các mô hình gắn kết GDNN với thị trường lao động; tăng cường gắn kết giữa cơ sở GDNN và Trung tâm Dịch việc làm Hà Nội; hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp; chú trọng gắn kết đào tạo với việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Cùng với đó là xây dựng dự báo về nhu cầu đào tạo GDNN, đặc biệt các ngành nghề khoa học - kỹ thuật - công nghệ; thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế trong đào tạo chất lượng cao.
Theo số liệu thống kê từ các quận, huyện, thị xã, tính đến ngày 15/11/2022, có 31 DN phải giảm giờ làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với 13.016 người lao động. Trong đó, có 10.374 người lao động bị giảm giờ làm, 2.642 người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Có 1.017 người lao động bị nợ lương với số tiền nợ 9,977 tỷ đồng. Riêng khu Công nghiệp và chế xuất có 7 DN sử dụng 6.148 người lao động phải giảm giờ làm của người lao động hoặc buộc phải chấm dứt hợp đồng lao động.