Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương – Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội cho biết, Luật Cư trú năm 2020 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển những quy định của Luật Cư trú năm 2006, phù hợp với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý cư trú.
Trong đó, cụ thể là quản lý công dân bằng thông tin trên cơ sở dữ liệu về dân cư nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đến năm 2023, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ hết hiệu lực và những thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn được đề cập đến trong Luật Cư trú. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú mà trọng tâm là xây dựng quản lý cư trú qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đảm bảo tốt hơn nữa về quyền tự do cư trú của công dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự trong hình hình mới.
Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg về phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030. Trong đó, xác định dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng, được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương cho rằng, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp Chương trình chuyển đổi quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; phục vụ công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
“Hội nghị nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những điểm cơ bản, điểm mới của Luật Cư trú và các văn bản có liên quan cũng như nâng cao nhận thức về mục tiêu tổng thể của Đề án là ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, thực hiện kế hoạch số 321/KH-UBND ngày 29/12/2021 của UBND TP về phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn TP năm 2022 đến các thành viên Hội đồng Phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật; đội ngũ báo cáo viên pháp luật TP, báo cáo viên pháp luật quận, huyện; cán bộ, công chức, viên chức” - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Thị Thanh Hương nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) Nguyễn Thị Quế Thu làm báo cáo viên, truyền đạt những nội dung cơ bản của Luật Cư trú và các văn bản liên quan. Từ những kiến thức này, các báo cáo viên pháp luật TP và cấp quận, huyện, thị xã tiếp tục tuyên truyền, triển khai sâu rộng Luật Cư trú năm 2020 và Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn với nhiều hình thức phù hợp, thiết thực và hiệu quả.
Trước đó, Luật Cư trú năm 2020 được Quốc hội khoá XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10, ngày 13/11/2020. Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021; gồm 7 chương, 38 điều, trong đó có 1 số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung so với Luật Cư trú năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2013). Luật Cư trú ra đời nhằm đảm bảo tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về an toàn trật tự trong tình hình mới, thực hiện việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú; đáp ứng được yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú mà trọng tâm là xây dựng, quản lý cư trú qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…
Kể từ ngày Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31/12/2022.