Hà Nội tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính, ngân sách nhà nước năm 2017

Khang Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước năm 2017.

Chỉ thị nêu rõ, những tháng đầu năm 2017, cùng với sự chủ động, tích cực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của TP Hà Nội tiếp tục chuyển biến tích cực và đồng đều ở các lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, còn nhiều khó khăn, thách thức tác động từ bôi cảnh quốc tế và các vấn đề nội tại của nền kinh tế ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách năm 2017 của TP.
Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Triển khai Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2017, để chủ động ứng phó trong điều hành thực hiện nhiệm vụ thu, chi năm 2017 theo dự toán đã được HĐND TP quyết nghị; Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Thành ủy, các Nghị quyết của HĐND TP, chương trình hành động của UBND TP, trong đó về tài chính ngân sách, thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như tập trung triển khai thực hiện tốt Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn của Trung ương, các Nghị quyết của HĐND TP về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình hành động số 43/CTr-UBND ngày 24/02/2017 của UBND TP thực hiện các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết của HĐND TP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017.

Tiếp tục tích cực tập trung thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ: số 19-2017/NQ-CP, số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 và triển khai Chính phủ điện tử theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2010, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các giải pháp, mục tiêu đã được xác định tại Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 30/3/2017 của UBND TP triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ- CP ngày 6/2/2017 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh TP Hà Nội năm 2017, định hướng đến năm 2020, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phấn đấu trở thành một trong những địa phương đứng đầu trong cả nước về chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, góp phần cùng cả nước đạt chỉ số môi trường kinh doanh trung bình của nhóm nước ASEAN 4; đến năm 2020 đạt mức trung bình của ASEAN 4 trên các nhóm chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh.

Tổ chức thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2017; quyết tâm thu đạt và vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và HĐND TP quyết nghị , trong đó ác sở, ban, ngành, đon vị và UBND các quận, huyện, thị xã chủ động đề ra các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt, liên tục, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017 được giao trên địa bàn và tăng 14-16% so với số thực hiện thu năm 2016; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự toán và tăng 5-7% so với thực hiện năm 2016.

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ biến động thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại trong nước và quốc tế; chủ động rà soát, đánh giá đầy đủ tác động của việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTAs) đến thu ngân sách nhà nước để có giải pháp chủ động trong điều hành.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu, chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế; thực hiện các giải pháp phù hợp để đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản phát sinh.

Cục Thuế, Cục Hải quan TP Hà Nội triển khai quyết liệt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan, tập trung vào các doanh nghiệp, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, có độ rủi ro cao, nâng tỷ lệ số doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra thuế trong năm 2017 theo quy định; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, gian lận thuế, trốn thuế; đồng thời đẩy mạnh công tác thanh tra hoạt động và việc chấp hành pháp luật của cơ quan thuế, hải quan.

Quản lý chặt chẽ các khoản thu, nhất là thu qua hình thức khoán; mở rộng cơ sở thuế (kể cả đối tượng và căn cứ tính thuế); kiểm soát chặt chẽ giá tính thuế hải quan, nhất là những mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất cao như: Xe ô tô (bao gồm cả xe ô tô được biếu, tặng), hàng mỹ phẩm, hàng tạm nhập tái xuất...

Tập trung xử lý, thu hồi nợ đọng thuế, giao chỉ tiêu thu nợ cụ thể và đôn đốc tổ chức thực hiện cho từng chi cục thuế, hải quan; định kỳ công khai trên truyền thông các doanh nghiệp nợ thuế; phấn đấu số nợ thuế đến ngày 31/12/2017 giảm xuống dưới 5% so với số thực thu ngân sách nhà nước năm 2017; đôn đốc thu kịp thời các khoản phải thu theo kiến nghị của cơ quan kiểm toán, kết luận của cơ quan thanh fra và các cơ quan bảo vệ pháp luật. Định kỳ công bố công khai trên truyền thông các doanh nghiệp có thành tích tốt trong nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế, tăng cường công tác phối hợp để quản lý chặt chẽ, bảo đảm hoàn thuế đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế của nhà nước.

Tổ chức điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, đúng chế độ quy định; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước; không bổ sung các đề án, chương trình, ban hành các chính sách mới, hoặc nâng định mức làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa có nguồn bảo đảm…

UBND các quận, huyện, thị xã chủ động điều hành ngân sách đảm bảo cân đối ngân sách địa phương, tổ chức chi ngân sách theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền thông qua và khả năng thu ngân sách; phấn đấu tăng thu vượt dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định và chủ động dành nguồn để thực hiện các chính sách nhà nước đã ban hành, giảm nguồn ngân sách TP phải hỗ trợ.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra các khoản chi ngân sách trong phạm vi quản lý và theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đảm bảo vốn ngân sách được sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, hiệu quả. Rà soát các chế độ, chính sách an sinh xã hội, nhất là các khoản chi cho con người để đảm bảo chi đúng đối tượng, đúng thời gian theo quy định của từng cấp chính quyền địa phương.

Trường hợp ngân sách địa phương dự kiến bị giảm thu, phải chủ động dành nguồn dự phòng ngân sách địa phương và sử dụng các nguồn tài chính khác của địa phương để bù đắp hoặc phải điều chỉnh để giảm chi tương ứng…