Hà Nội tập trung cho sản xuất công nghiệp, thương mại và xuất khẩu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước tình hình 6 tháng đầu 2015, kim ngạch xuất khẩu của TP giảm, không đạt kế hoạch và thấp hơn so cùng kỳ năm 2014, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn vừa chỉ đạo các sở, ngành có các giải pháp thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thương mại và xuất khẩu trên địa bàn.

Uớc tính 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội đạt 5.306 triệu USD, giảm 1,2% so cùng kỳ, trong đó xuất khẩu địa phương giảm 1,1%. Một số nhóm hàng xuất khẩu tăng khá so cùng kỳ là: giày dép các loại và sản phẩm từ da (tăng 4,4%), linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi (tăng 3,8%).

Tuy nhiên, nhóm hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ so cùng kỳ (giảm 0,1%). Ngoài mặt hàng hạt tiêu có tốc độ tăng khá, còn lại các mặt hàng như gạo, chè, cà phê, sắn…đều giảm mạnh.

 
Giày dép nằm trong nhóm mặt hàng  xuất khẩu tăng khá so cùng kỳ của Hà Nội
Giày dép nằm trong nhóm mặt hàng xuất khẩu tăng khá so cùng kỳ của Hà Nội
Một số ngành vẫn gặp khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ sản phẩm, một số ngành có chỉ số tồn kho ở mức khá cao; cùng với đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng thấp hơn so cùng kỳ

Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch kinh tế xã hội năm 2015, đóng góp vào kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015; đồng thời, tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ngành, đơn vị nêu cao tinh thần chủ động, trách nhiệm trong công việc, đổi mới phong cách điều hành quyết liệt linh hoạt, hiệu quả. Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung tái cơ cấu ngành công thương gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp. Tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường.

Bên cạnh đó tích cực cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh và nâng cao chỉ số cạnh tranh PCI của TP. Tập trung nguồn lực, ưu tiên bố trí ngân sách, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng khung, hạ tầng kỹ thuật và khớp nối đồng bộ, hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các Khu, cụm công nghiệp…

UBND TP giao Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Công thương và các đơn vị sở, ngành liên quan tổng hợp báo cáo UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm một số chính sách ưu đãi đặc thù đối với Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội. Tháo gỡ khó khăn và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, công trình trọng điểm và sử dụng vốn ODA, FDI, PPP.

Đồng thời chỉ đạo Sở Công thương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, các giải pháp kích cầu tiêu dùng gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đưa hàng về nông thôn, các Khu, cụm công nghiệp, bình ổn giá, kết nối cung cầu với các tỉnh, TP. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP phối hợp với các Sở: Kế hoạch - Đầu tư, Công thương, Xây dựng và UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ngành liên quan rà soát, lập danh mục các dự án công bố kêu gọi đầu tư và các dự án Khu, cụm công nghiệp; phát triển hạ tầng thương mại, bất động sản. Đẩy mạnh thu hút đầu tư từ các quốc gia phát triển, có tiềm năng vốn, công nghệ tiên tiến như: Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, Israel; ưu tiên các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, cho giá trị gia tăng cao, các công trình dịch vụ cao cấp, các khu vui chơi giải trí.

Thành phố cũng yêu cầu Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch chuẩn bị các điều kiện về nội dung, danh mục dự án tài liệu liên quan; xây dựng kế hoạch, chương trình để tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư của TP trong tháng 8/2015.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần