Năm 2023, 100% huyện, thị xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Theo đó, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở khối xã phường, thị trấn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; tập trung đầu tư nhiều nguồn lực cho vùng nông thôn, dẫn tới số các xã, các huyện đạt chuẩn nông thôn mới tăng cao. Ngay trong những ngày đầu, tháng đầu, các địa phương đã khẩn trương bắt tay vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới tạo chuyển biến cho nông nghiệp, nông thôn Thủ đô.
Đến cuối tháng 5/2023, thành phố Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 83,3% so với kế hoạch chương trình), gồm Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây. Dự kiến trong năm 2023, Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2021 – 2025 với 100% số huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Về huyện nông thôn mới nâng cao, qua kết quả thẩm định có 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì có cơ sở đủ điều kiện đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND Thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Đến nay, Thành phố có tổng số 111 xã nông thôn mới nâng cao (đạt 71%); có tổng số 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 25% so với mục tiêu của Chương trình đến năm 2025 là 80 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngoài ra, Nhân dân thực hiện quyền giám sát thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, thông qua Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận hoặc thông qua khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Những nội dung nhân dân giám sát, kiểm tra được thực hiện đúng quy định.
UBND các xã, phường thường xuyên quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với chính quyền, các cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình phối hợp hàng năm. Đã thực hiện tốt nguyên tắc, quy định về tập trung dân chủ, tạo điều kiện cho Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân thực hiện việc giám sát, phản biện.
Tăng phân cấp, ủy quyền
Trên toàn Thành phố, trọng tâm công tác dân chủ trong khối cơ quan nhà nước là cải cách hành chính. Các nhiệm vụ theo tiến độ Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy, Kế hoạch CCHC giai đoạn 2021 - 2025 của và Kế hoạch CCHC hàng năm Thành phố cơ bản đều được thực hiện theo tiến độ.
Quy chế liên thông một số TTHC, các quy trình giải quyết công việc nội bộ của các Sở, Ban, Ngành Thành phố, UBND cấp huyện và UBND cấp xã đã được kịp thời ban hành và triển khai có hiệu quả. Thành phố tiếp tục thực hiện vai trò Chính phủ giao, là địa phương làm mẫu triển khai Đề án 06 trên địa bàn Thành phố.
Công tác Cải cách tổ chức bộ máy được thực hiện bài bản; đã hoàn thành việc rà soát chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Sở; các Chi cục, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố, tập trung rà soát, đảm bảo không bỏ sót, trùng chéo chức năng, nhiệm vụ, phân định rõ đơn vị chủ trì, nhằm tinh gọn bộ máy và hoạt động có hiệu quả từ Thành phố xuống cấp huyện; đã triển khai có hiệu quả việc thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ về thị điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội; tinh giản biên chế theo quy định của Trung ương được thực hiện nghiêm túc, bài bản.
Việc ủy quyền thực hiện thủ tục hành chính theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực" đã được Thành phố tích cực triển khai, ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 12/9/2022 của HĐND Thành phố về việc thông qua Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội và thành lập lập Ban Chỉ đạo để triển khai xây dựng Đề án, đảm bảo theo tinh thần cải cách hành chính theo hướng tiếp tục tăng phân cấp, ủy quyền mạnh hơn cho cấp huyện, thực hiện ủy quyền đối với các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền Thành phố và cấp huyện.
Đề án mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại các cấp trên địa bàn Thành phố đã được tập thể UBND Thành phố xem xét, thông qua; Hạ tầng CNTT, hệ thống cơ sở dữ liệu cốt lõi, chuyên ngành và các ứng dụng trong hoạt động quản lý nhà nước tiếp tục được Thành phố quan tâm, tạo tiền đề quan trọng nhằm xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số.
Các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc thông báo công khai để CBCCVC biết về các nội dung phải công khai; việc lấy ý kiến đối với những nội dung CBCCVC được tham gia ý kiến theo Điều 7 Nghị định số 04/2015/NĐ-CP thông qua nhiều hình thức: niêm yết tại cơ quan, đơn vị; thông báo công khai tại hội nghị CBCCVC; thông báo bằng văn bản; thông báo cho người phụ trách các bộ phận để thông báo đến CBCCVC thuộc bộ phận; đăng trên trang thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị.
Thực hiện dân chủ trong quản lý và điều hành hoạt động của cơ quan, đơn vị; trong quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ, chính sách đối với CBCCVC, NLĐ được đảm bảo theo quy định. Việc đánh giá hàng tháng, cuối năm đối với CBCCVC, NLĐ được thực hiện nghiêm túc theo quy định của Thành phố.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn, trong thời gian tới, Thành phố tiếp tục thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập gắn với công tác cải cách hành chính. Tăng cường việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với nhiệm vụ đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Duy trì và cải thiện các Chỉ số đánh giá Hiệu quả hoạt động của chính quyền: PARINDEX, SIPAS, PAPI.
Bên cạnh đó, tổ chức 6 lớp bồi dưỡng, tập huấn nhằm trang bị, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về công tác CCHC, trọng tâm đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa công sở, kỹ năng giao tiếp ứng xử; Tuyên truyền về nội dung xây dựng chính quyền số và chuyển đổi số; Chỉ số CCHC PAPI, SIPAS, PARINDEX cấp tỉnh cho đội ngũ lãnh đạo cấp xã.
Tập trung trọng tâm công tác dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn vào nội dung hỗ trợ Nhân dân phát triển kinh tế, an sinh xã hội, gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới. Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.