Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tập trung giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến ngày 15/7/2024, kết quả giải ngân của toàn TP đạt 20.889 tỷ đồng, tương đương 25,8% kế hoạch. TP đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để phấn đấu giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, kế hoạch đầu tư công trung hạn ở mức cao nhất.

Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư hơn 85.813 tỷ đồng, dài 112,8km đi qua 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, gồm 7 dự án thành phần.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có tổng mức đầu tư hơn 85.813 tỷ đồng, dài 112,8km đi qua 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, gồm 7 dự án thành phần.

Công văn ngày 18/7/2024 về kết quả 6 tháng đầu năm 2024 của UBND TP Hà Nội cho thấy, GRDP 6 tháng năm 2024 trên địa bàn Hà Nội tăng 6%, cao hơn cùng kỳ (5,97%); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn TP đạt 208,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước; xuất, nhập khẩu phục hồi, tăng khá cao, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 28,6 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ; lạm phát được kiểm soát.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP là hơn 259 nghìn tỷ đồng, đạt 63,4% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2023; tổng chi ngân sách địa phương là hơn 44.400 tỷ đồng, đạt 30,4% dự toán giao đầu năm, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó, chi đầu tư phát triển là 19.484 tỷ đồng, đạt 24,0% dự toán, tăng 22,3% so với cùng kỳ).

Đáng chú ý, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP đã có nhiều khởi sắc, đáng ghi nhận so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 15/7/2024, kết quả giải ngân của toàn TP đạt 20.889 tỷ đồng, tương đương 25,8% kế hoạch. Kết quả này thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước, tuy nhiên đây là sự nỗ lực rất lớn của toàn TP. Giá trị giải ngân tuyệt đối cao hơn 22,7% so với cùng kỳ năm 2023 và đứng thứ 2 cả nước.

Kết quả này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm của TP trong thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đảm bảo nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đặc biệt là Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, các dự án, công trình trọng điểm, các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng văn hóa, xã hội, các dự án thuộc kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực (y tế, văn hóa, giáo dục) của TP.

Để hoàn thành toàn diện và cao nhất các nhiệm vụ thu – chi ngân sách Nhà nước năm 2024, UBND TP yêu cầu Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã quản lý chặt chẽ nguồn thu, phấn đấu tăng thu để bù đắp số thu bị giảm do thực hiện các chính sách hỗ trợ; tăng cường quản lý chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, đặc biệt tiết kiệm triệt để chi thường xuyên.

Trong đó, tập trung triển khai thi hành Luật Thủ đô đã được Quốc hội thông qua bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi phát triển sản xuất – kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trên cơ sở đó, phấn đấu hoàn thành vượt mức cao nhất dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2024 để có nguồn đáp ứng các nhiệm vụ chi theo dự toán và xử lý các nhiệm vụ đột xuất phát sinh, tạo cơ sở vững chắc cho các năm tới.

Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án, công trình trọng điểm của TP; khắc phục các bất cập để giải ngân nhanh hơn, sử dụng hiệu quả hơn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài; phát huy đầu tư công để kích hoạt, dẫn dắt và thúc đẩy đầu tư tư; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài theo phương thức đối tác công tư.

Triển khai kịp thời, hiệu quả các quy hoạch cấp Quốc gia, quy hoạch Vùng và các quy hoạch Thủ đô sau khi được phê duyệt với các nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn hoàn thành cụ thể, bảo đảm dễ thực hiện, dễ theo dõi, dễ kiểm tra, dễ giám sát. Chú trọng rà soát, điều chỉnh, sắp xếp thứ tự ưu tiên danh mục các dự án, nội dung thành phần về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm, hiệu quả; tránh dàn trải, manh mún.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực tài chính – ngân sách. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Đảm bảo chi trả kịp thời, đầy đủ các chính sách, chế độ an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo…