Hà Nội: tên đường Ba Đảm Đang có ý nghĩa như thế nào?
Kinhtedothi – Tuyến đường Ba Đảm Đang thuộc địa phận xã Đan Phượng và Liên Minh (TP Hà Nội) được mang tên một phong trào nổi tiếng của phụ nữ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về việc đặt tên, đổi tên, điều chỉnh độ dài một số đường, phố và công trình công cộng tại Hà Nội năm 2025. Trong đó Hà Nội đặt tên 38 tuyến đường mới, điều chỉnh độ dài 6 tuyến đường và đổi tên 1 công trình công cộng.
Trong số 38 tuyến đường mới được đặt tên có đường Ba Đảm Đang, thuộc địa phận hai xã Đan Phượng và Liên Minh hiện nay. Tuyến đường được đặt tên cho đoạn từ ngã ba giao đê Tiên Tân tại di tích Quán Phượng Trì (Km0+100 Tỉnh lộ 417), đến ngã ba giao đê Hữu Hồng tại cụm 9 - cụm 10 thôn An Thịnh, xã Liên Minh (Km6+200 Tỉnh lộ 417).

Tuyến đường Ba Đảm Đang, đoạn qua di tích Quán Phượng Trì, xã Đan Phượng, TP Hà Nội.
Đường Ba Đảm Đang có chiều dài 6.200m, rộng 9 - 11m (lòng đường 7 - 9m, đoạn có vỉa hè mỗi bên 2m, đoạn lề đường mỗi bên 1m). Đường trải nhựa asphalt, vỉa hè không đồng nhất, có cây xanh đô thị, có điện chiếu sáng đô thị; đi qua các thị trấn Phùng cũ, xã Đan Phượng cũ, xã Phương Đình cũ, xã Thọ Xuân cũ, xã Thọ An cũ; nay là hai xã Đan Phượng và Liên Minh.
Dân cư dọc tuyến đường có 645 hộ và hơn 2.000 nhân khẩu. Trên tuyến đường có tuyến xe buýt 67 và 162 đi qua và các công sở, trường học như Trường Tiểu học Thọ Xuân, UBND xã Phương Đình (cũ)…
Về ý nghĩa, tuyến đường được đặt tên cho phong trào “Ba đảm đang” – một phong trào nổi tiếng của phụ nữ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, xuất phát từ mảnh đất Đan Phượng.

Điểm đầu tuyến đường Ba Đảm Đang.

Điểm cuối tuyến đường Ba Đảm Đang.
Theo đó, năm 1965, Mỹ mở rộng chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ, lớp lớp thanh niên miền Bắc trong phong trào “3 sẵn sàng” hăng hái tòng quân lên đường ra mặt trận. Với quyết tâm xây dựng hậu phương vững chắc, tiếp thêm sức mạnh động viên chồng con vững bước trên mặt trận tiêu diệt quân thù, ngày 5/2/1965 Ban Chấp hành Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng họp hội nghị mở rộng với 130 đảng viên nữ để phổ biến tình hình và xác định nhiệm vụ mới của phụ nữ địa phương.
Hội nghị đã bàn bạc sôi nổi và đi đến quyết định phụ nữ phải làm “3 nhiệm vụ”, chủ yếu để sẵn sàng thay thế anh em đi chiến đấu. Ngày 8/3/1965, Thường trực Hội Phụ nữ huyện Đan Phượng tổ chức phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” tại trường cấp 2 xã Đan Phượng.
“Ba đảm nhiệm” gồm các nội dung: gánh vác thêm phần việc của chồng, con, anh em, hoàn thành mọi nhiệm vụ sản xuất ở địa phương, để chồng con, anh em có thể yên tâm sẵn sàng chiến đấu; khuyến khích chồng, con, anh em gia nhập bộ đội hoặc tiếp tục ở lại bộ đội chiến đấu cho đến ngày không còn một tên lính Mỹ trên đất nước ta; tích cực tham gia mọi công tác chính quyền, đoàn thể, bảo vệ trị an, phục vụ chiến đấu ở địa phương, đồng thời sẵn sàng gia nhập bộ đội, chiến đấu giết giặc khi Tổ quốc cần.
Phong trào “Ba đảm nhiệm” của phụ nữ Đan Phượng được báo Nhân Dân ra ngày 18/3/1965 kịp thời đưa tin cổ vũ trên trang nhất. Từ đây, Đan Phượng được Nhân dân cả nước biết đến là “quê hương người gái đảm”. Ngày 22/3/1965, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ban hành Chỉ thị số 03 phát động phong trào “Ba đảm nhiệm”, thành một cao trào rộng lớn với ba nội dung thu gọn: đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho chồng con đi chiến đấu; đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng con yên tâm chiến đấu; đảm nhiệm phục vụ chiến đấu và chiến đấu; sau đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, gợi ý đổi tên thành “Ba đảm đang”.

Tượng đài phụ nữ Ba đảm đang.
Theo hồ sơ đề nghị đặt tên tuyến đường, phong trào “Ba đảm đang” đã đáp ứng kịp thời yêu cầu cấp bách của cuộc kháng chiến bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng của phụ nữ Việt Nam. Phong trào là mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Tượng đài kỷ niệm phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” đã được dựng tại khu vực trung tâm thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng (cũ) năm 2010, nay thuộc địa phận xã Đan Phượng, TP Hà Nội là công trình có ý nghĩa lịch sử quan trọng nhằm giáo dục lịch sử, truyền thống lao động, sản xuất và chiến đấu của thế hệ phụ nữ phong trào “Ba đảm đang”.
Do đó, việc đặt tên tuyến đường Ba Đảm Đang có ý nghĩa quan trọng, không chỉ ghi nhớ một phong trào mang tính lịch sử của phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ, đặc biệt là trên địa bàn các xã Đan Phượng, Liên Minh.

Tự hào những phụ nữ “Ba đảm đang”
Kinhtedothi - Tròn 60 năm phong trào “Ba đảm đang” ra đời (1965 - 2025), các thế hệ phụ nữ Hà Nội luôn phát huy truyền thống “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, không quản ngại khó khăn, gian khổ, hăng hái tham gia các phong trào thi đua, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Sắp diễn ra chương trình chính luận nghệ thuật về truyền thống Ba đảm đang
Kinhtedothi - Tối 22/3, tại Cung văn hóa lao động Hữu nghị Việt - Xô sẽ diễn ra chương trình cầu truyền hình chính luận nghệ thuật "Sáng mãi truyền thống phụ nữ Ba đảm đang” do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức.

Phong trào “Phụ nữ Ba đảm đang” - giá trị lịch sử và thời đại
Kinhtedothi - Sáng 6/3, Hội LHPN TP Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội và Huyện ủy Đan Phượng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phong trào Phụ nữ Ba đảm đang - giá trị lịch sử và thời đại”.