Hà Nội: Tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu, cụm công nghiệp

Trần Long - Hồng Thái - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị giao ban quý III/2022 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã chiều 28/9 do Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP tổ chức, lãnh đạo các quận, huyện đề xuất TP, các sở, ngành tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ các dự án phát triển khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN).

Báo cáo tại hội nghị giao ban, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn cho biết, trên địa bàn huyện Quốc Oai hiện có 1 KCN Thạch Thất - Quốc Oai và 2 CCN đang hoạt động ổn định với diện tích khoảng 30,16ha, với 35 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh và thu hút khoảng 1.600 lao động với thu nhập bình quân từ 9-10 triệu đồng/người/tháng.

Đến năm 2030, huyện Quốc Oai có 10 CCN làng nghề, tổng diện tích 245ha (bình quân 24,5ha/cụm), phân bố tại 11 xã. Tính đến tháng 9/2022 trên địa bàn huyện Quốc Oai đã được UBND TP ban hành quyết định thành lập đối với 4 CCN làng nghề (gồm có: CCN làng nghề: Tân Hòa; Ngọc Mỹ - Thạch Thán; Nghĩa Hương; Ngọc Liệp phần mở rộng) với diện tích khoảng 54,84 ha.

Các đồng chí lãnh đạo TP chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thành uỷ Hà Nội
Các đồng chí lãnh đạo TP chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thành uỷ Hà Nội

Đối với 4 CCN, tiến độ còn chậm so với yêu cầu của UBND TP (3 CCN phải chuyển đổi đất lúa, chưa phê duyệt được phương án đền bù GPMB để thực hiện công tác GPMB; 1 CCN Ngọc Liệp do vướng mắc trong công tác GPMB các ngôi mộ, chưa hoàn thành được hồ sơ trình TP giao đất để triển khai).

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 3 CCN trên địa bàn huyện, đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội và giải quyết việc làm cho người lao động, UBND huyện Quốc Oai đề nghị UBND TP phối hợp làm việc với Bộ TN&MT, bộ ngành liên quan để sớm hoàn thiện hồ sơ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chuyển đổi đất lúa thành đất công nghiệp để làm cơ sở huyện triển khai 3 CCN. Sở Công Thương quan tâm xem xét, thẩm định trình UBND TP ban hành Quyết định gia hạn chủ trương đầu tư đối với 4 CCN (Tân Hòa, Ngọc Mỹ - Thạch Thán, Ngọc Liệp, Nghĩa Hương). Các sở hỗ trợ các chủ đầu tư trong công tác giải quyết các thủ tục hành chính để sớm hoàn thành đầu tư hạ tầng đưa các CCN vào hoạt động.

Ngoài ra, huyện Quốc Oai đề nghị Thành ủy xem xét, chấp thuận nhiệm vụ quy hoạch vùng huyện theo Tờ trình của UBND TP để huyện triển khai lập đồ án quy hoạch vùng huyện phục vụ công tác quản lý nhà nước và thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội của huyện. UBND TP, Sở TN&MT xem xét cho phép lập hồ sơ trình giao đất theo từng giai đoạn đối với các ô đất đã hoàn thành công tác GPMB để đẩy nhanh tiến độ khởi công, thực hiện dự án.

Hội nghị giao ban quý III/2022 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã chiều 28/9 do Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội tổ chức
Hội nghị giao ban quý III/2022 với lãnh đạo quận, huyện, thị xã chiều 28/9 do Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội tổ chức

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, theo Quy hoạch phát triển CCN TP Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được UBND TP phê duyệt, trên địa bàn huyện Gia Lâm hiện có 8 CCN (CCN thực phẩm Hapro, CCN Ninh Hiệp, CCN Phú Thị (giai đoạn 1), CCN sản xuất làng nghề Bát Tràng, CCN sản xuất làng nghề Kiêu Kỵ, CCN Phú Thị mở rộng (giai đoạn 2), CCN Đình Xuyên, CCN Lâm Giang). Trong đó, có 5 CCN đã có quyết định thành lập, đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đang hoạt động (CCN thực phẩm Hapro, CCN Ninh Hiệp, CCN Phú Thị (giai đoạn 1), CCN sản xuất làng nghề Bát Tràng, CCN sản xuất làng nghề Kiêu Kỵ).

Có 2 CCN đã có quyết định thành lập, chưa đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (CCN Phú Thị mở rộng (giai đoạn 2), CCN Đình Xuyên); 1 CCN chưa có quyết định thành lập là CCN Lâm Giang, đang triển khai công tác GPMB.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triểm CCN trên địa bàn huyện, UBND huyện Gia Lâm đề nghị Sở QH-KT sớm xem xét, cho ý kiến về việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch chi tiết CCN Đình Xuyên theo đề xuất của công ty và làm cơ sở UBND huyện báo cáo UBND TP xem xét. Đề nghị Công ty Cổ phần phát triển FUJI Hà Nội phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết CCN) để đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy hoạch theo ý kiến Sở QH-KT và chủ động phối hợp cung cấp hồ sơ tài liệu, giải trình để được Sở QH-KT sớm thống nhất nội dung đồ án làm cơ sở UBND huyện phê duyệt quy hoạch chi tiết theo quy định.

Trong khi đó, đại diện UBND quận Bắc Từ Liêm kiến nghị, trên địa bàn quận có Khu công nghệ cao sinh học 203ha có Chủ đầu tư là Công ty TNHH Pacific kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ vẫn vướng mắc. Quận đề nghị TP quan tâm để tiếp tục triển khai dự án...

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị

Sau khi nghe ý kiến của các quận, huyện, sở, ngành, phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, phát triển kinh tế nói chung và hạ tầng phục vụ sản xuất được TP đặc biệt quan tâm, nên việc phát triển KCN, CCN hết sức cần thiết, tạo nguồn thu ngân sách. Về mục tiêu, TP đặt mục tiêu đến năm 2045, thu nhập bình quân đạt 36.000 USD/người, như vậy trong 10-15 năm tới cần phát triển hạ tầng sản xuất để đạt mục tiêu đặt ra.

Trong hơn 10 năm qua, việc phát triển khu, CCN chậm. Tuy nhiên, sau đại dịch, từ khi bắt đầu phục hồi kinh tế, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thành uỷ, UBND TP nên các KCN, CCN đã “trên bệ phóng” thuận lợi để phát triển.

Về một số vấn đề vướng, Sở QH-KT và các sở, ngành đã và đang tập trung giải quyết. Liên quan vướng mắc GPMB, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, việc thực hiện rất thuận lợi, tuy nhiên còn một số điểm nhỏ liên quan đến di chuyển mồ mả. Vì vậy, đề nghị các quận, huyện quan tâm để dự án không bị kéo dài.