Hà Nội: Thêm những giải pháp mang tính đột phá cho công tác cán bộ

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, có khát vọng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; trên cơ sở đó nâng cao chất lượng phục vụ, gia tăng sự hài lòng của người dân. Đây vừa là mục tiêu, cũng chính là giải pháp các cấp ủy của Đảng bộ TP Hà Nội đang tập trung thực hiện để cụ thể hóa Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025".

Cụ thể từ mục tiêu đến giải pháp
Chương trình số 01 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII xác định 5 mục tiêu, 14 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu và 7 yêu cầu. Trong đó, một trong những mục tiêu hàng đầu là xây dựng các cấp ủy và tổ chức cơ sở đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, gương mẫu về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng bộ TP gương mẫu, tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín... Để cụ thể hóa mục tiêu này, các Nghị quyết, đề án chuyên đề sẽ được xây dựng và triển khai, trong đó, Nghị quyết chuyên đề đầu tiên đã được Thành ủy ban hành, đó là Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”.
Đây là lần đầu tiên trong vài nhiệm kỳ trở lại đây, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ, cũng là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong các khóa trước, hầu hết các nghị quyết chuyên đề là của Ban Thường vụ Thành ủy ban hành; với Nghị quyết lần này, BCH Đảng bộ TP là cơ quan ban hành. Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, thuận lợi là mục tiêu của Nghị quyết đúng và trúng với yêu cầu đang đặt ra, vấn đề được T.Ư quan tâm, dư luận Nhân dân tin tưởng, kỳ vọng. Hà Nội cũng có nền tảng rất tốt để thực hiện. Với 4 quan điểm chỉ đạo, 4 mục tiêu cụ thể, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Nghị quyết nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thành phố có tư tưởng chính trị vững vàng; phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; tư duy, khát vọng đổi mới; năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ. Đây là đội ngũ phải có cơ cấu, số lượng hợp lý, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, ứng phó với tình huống khó khăn, phức tạp phát sinh và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đối ngoại của Thủ đô trong giai đoạn mới.
 Giải quyết thủ tục hành chính ở quận Bắc Từ Liêm
Trong 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, trong đó, nhóm giải pháp mang tính đột phá chính là tập trung vào đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt trong thực hiện các khâu của công tác cán bộ. Đồng thời, TP sẽ kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển những cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt ở cơ sở thiếu tập trung, quyết liệt trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; tín nhiệm thấp, dĩ hòa vi quý, bè cánh gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, có sai phạm nhưng chưa đến mức bị kỷ luật; dư luận cán bộ, đảng viên và có đơn thư phản ánh tiêu cực... Việc thay thế không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu.       
Bắt tay vào triển khai ngay
Xác định tầm quan trọng của Chương trình số 01 cũng như Nghị quyết số 04, nhiều cấp ủy của TP đã chủ động xây dựng các chương trình, đề án cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị để triển khai. Theo Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam, nhiệm kỳ 2015 - 2020, quận đã chủ động triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ như luân chuyển (dọc, ngang) để đào tạo theo quy hoạch, trong đó ưu tiên cán bộ trẻ, tạo đội ngũ kế cận... 

Trong khi đó tại quận Tây Hồ, quận đã tham mưu gắn một số nội dung với Chương trình số 06-CTr/QU của Quận ủy về “Tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu hoạt động của chính quyền đô thị giai đoạn 2020 - 2025”. Mục tiêu là nâng mức độ hài lòng của người dân đạt hơn 90%, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; đưa Chỉ số cải cách hành chính cấp quận tăng hai bậc so với đầu nhiệm kỳ. Đồng thời, thúc đẩy việc thực hiện các quy tắc ứng xử của TP và thực hiện hiệu quả mô hình chính quyền đô thị.
Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc các phần việc đã được xác định trong Chương trình, Nghị quyết cũng được chú trọng. Qua đó, sớm tổ chức thực hiện các nội dung và đem lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; giúp mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ của TP nói chung và mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng có những bước chuyển về chất trong giai đoạn tới.