Hà Nội… thiếu những sân chơi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không tỷ lệ thuận với sự xuất hiện của những khu đô thị mới hiện đại, hoành tráng, sân chơi, vườn hoa - những không gian công cộng quý giá đối với người dân đô thị, đặc biệt là người già và trẻ em, ngày càng trở nên eo hẹp.

Sân chơi tại Khu tập thể Kim Liên bị nhiều hàng quán lấn chiếm. 	Ảnh: Thanh Hải
Sân chơi tại Khu tập thể Kim Liên bị nhiều hàng quán lấn chiếm. Ảnh: Thanh Hải
Còn tại các khu ở cũ, sân chơi, vườn hoa đã và đang bị “bóp nghẹt” bởi nhu cầu mưu sinh, chỗ đỗ xe, phơi quần áo… Tại các khu vực mới phát triển, nhiều không gian sân chơi, vườn hoa mới chỉ tồn tại trên bản vẽ quy hoạch mà không tồn tại trên thực tế.

Cuộc chiến của không gian công cộng
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm:
Cần sớm giải quyết tình trạng mất cân đối

Hiện trạng bình quân không gian xanh của Hà Nội chỉ là 1,7m2/người. Để đạt tới mục tiêu 3,9m2/người theo quy hoạch, rất cần khai thác quỹ đất có được từ việc chuyển đổi mục đích khi di dời các cơ sở công nghiệp, bộ, ngành, trường đại học… ra khỏi nội thành. Cùng với phát triển số lượng còn cần giải pháp để giải quyết tình trạng mất cân đối giữa các quận, tập trung cho các quận đang rất thiếu không gian cho cây xanh, vườn hoa, sân chơi như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa.

Về thực trạng sân chơi, vườn hoa ở Hà Nội, Thạc sĩ  Lã Kim Ngân – Viện trưởng Viện Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, với Hà Nội, không cần nhiều nghiên cứu và có thể khảo sát bằng mắt thường, va đập hàng ngày, có nhiều thứ quá theo nghĩa tiêu cực.

Theo một số liệu chính thức, diện tích sân chơi... mạng lưới quy hoạch vườn hoa, cây xanh thời Pháp quy hoạch đáp ứng rất đầy đủ nhưng tại các khu mới, không gian này thiếu vô cùng. Nhận dạng thực trạng, hạn chế về số lượng, quy mô, tiện ích. Những vườn hoa, sân chơi hoàn chỉnh rất thiếu vắng, đặc biệt là khu vực mới phát triển, khu vực ven đô. Rất phổ biến là không gian sân chơi, vườn hoa bị chiếm dụng là bãi đỗ xe ô tô, quán nhậu, quán trà đá. Kim Liên, khu sân chơi biến thành nơi cắn hạt dưa, uống trà, không có không gian cho trẻ em, người già. Tại khu Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), một số sân chơi biến thành nơi phơi quần áo. Trong khi đó, chủ đầu tư của nhiều dự án phát triển nhà ở chỉ quan tâm đến việc xây nhà. Những góc còn thừa, những khu vực không có bán kính, không phù hợp để phục vụ cộng đồng thì lại được  “dành” để làm vườn hoa, sân chơi.

Minh chứng cho sự thiếu thốn của không gian công cộng, chuyên gia độc lập Nguyễn Thị Hiền cho biết, trong khu vực nội thành, các công viên và vườn hoa chỉ chiếm 1,92% tổng diện tích đất. Theo nguồn số liệu của Chương trình phát triển đô thị tổng thể thủ đô Hà Nội, diện tích công viên, vườn hoa bình quân chỉ 0,9m2/người. Vườn hoa, sân chơi của khu dân cư không được quy hoạch, thiết kế, đầu tư và quản lý tốt.

Diện tích đất công còn lại của Hà Nội đang phải đối mặt với sự cạnh tranh giữa việc sử dụng đất cho các tiện ích công và chính sách bán đấu giá đất. Ngay cả các mục tiêu sử dụng đất công cho các tiện ích công cũng đang “cạnh tranh” gay gắt.

Khoảng trống…
Không gian công cộng Hà Nội không chỉ là chốn sinh hoạt cộng đồng đơn thuần mà trước hết còn phải là nơi thể hiện Chất - Tầm của đô thị với đặc tính của Thủ đô: Đại diện - tiêu biểu và tinh tế văn hóa Việt.
KTS Nguyễn Phú Đức
Sở QH - KT Hà Nội

Nhiều chuyên gia khi trao đổi về vấn đề sân chơi, vườn hoa tại Hà Nội đã bày tỏ băn khoăn về chính sách và thể chế pháp luật để bảo vệ cũng như tạo thêm những không gian này cho đô thị. Giữa lý luận và thực tiễn, giữa quy hoạch và đầu tư xây dựng đang có những khoảng trống.

Chuyên gia Nguyễn Thị Hiền cho rằng, hiện tại, TP Hà Nội đã có một số chính sách liên quan tới việc phát triển công viên, sân chơi, sân thể thao. Tuy nhiên, có các kẽ hở, cạnh tranh và mâu thuẫn giữa các chính sách đó. Đơn cử, hiện chưa có chính sách nào xác định rõ yêu cầu về diện tích đất và tiện ích tối thiểu dành cho sân chơi. Mặt khác, ngay cả sự nhất quán trong việc định nghĩa cây xanh sử dụng công cộng, vườn hoa, sân chơi, sân thể thao trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng còn tạo ra những cách hiểu khác nhau, dẫn đến thông tin không chính xác, không đồng bộ cho mục đích quy hoạch và quản lý.

Không gian công cộng tại Hà Nội đang phải chịu sự xung đột giữa một bên là sự quản lý của chính quyền và một bên là người dân đang sử dụng. Mâu thuẫn này sẽ ngày càng gia tăng nếu không có một giải pháp tổng thể. Không gian công cộng cần phải do Nhà nước chính thức quản lý, thông qua các bộ quản lý với các quy định rõ ràng, ai được sử dụng, sử dụng làm gì, thời gian bao lâu…

Để Hà Nội có nhiều hơn không gian công cộng, để người già và con trẻ có những không gian nghỉ ngơi, vui chơi, sẽ cần đến nhiều giải pháp, tiếng nói, bàn tay để tạo sự cộng hưởng. Nhiều năm qua, áp lực về nhà ở, phát triển kinh tế, nguồn thu nhập của cư dân đô thị đã lấn át mục tiêu tạo ra chất lượng đô thị. Quá nhiều nhu cầu tiện ích công cộng mà không lựa chọn được mục tiêu cần tập trung. Có thể nói, nền kinh tế thị trường đã lôi chúng ta trượt qua nhiều thời gian với nỗi niềm đau đáu chỉ là phát triển bất động sản.

Nhiều chuyên gia đã đề xuất, Hà Nội cần công bố kết quả kiểm kê đất công và nên ngừng đấu giá đất công ở nội thành cho đến khi có đánh giá một cách bài bản, khoa học về việc bố trí các diện tích đất công cho các nhu cầu công cộng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần