Hà Nội thông qua chính sách hỗ trợ đặc thù với công tác tiếp công dân

Thịnh An - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 6/7, tại Kỳ họp thứ 12, với đa số đại biểu nhất trí, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù của Thành phố Hà Nội đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn thành phố.

Chủ toạ điều hành phiên làm việc sáng 6/7, Kỳ họp thứ 12, HĐND TP
Chủ toạ điều hành phiên làm việc sáng 6/7, Kỳ họp thứ 12, HĐND TP

Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại các Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân cấp thành phố và cấp huyện thuộc thành phố Hà Nội được quy định tại Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân.

Đối tượng áp dụng của Nghị quyết là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao nhiệm vụ hoặc phân công làm nhiệm vụ thường xuyên tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân hoặc địa điểm tiếp công dân căn cứ vào vị trí việc làm cụ thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho từng đơn vị.

Riêng tại Ban Tiếp công dân thành phố có đối tượng được hưởng là người lao động tại Ban tham gia quá trình tiếp công dân và xử lý đơn. Đối với vị trí lãnh đạo bộ phận tiếp công dân là chức danh kiêm nhiệm ở các cơ quan, đơn vị (trừ Trưởng Ban Tiếp công dân cấp huyện) mức hỗ trợ không quá 50% tổng số ngày làm việc.

Mức hỗ trợ đối với đối tượng chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề: Cấp thành phố là 120.000 đồng/người/ngày làm việc; Cấp quận, huyện, thị xã là 100.000 đồng/người/ngày làm việc.

Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng trình bày Tờ trình
Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng trình bày Tờ trình

Mức hỗ trợ đối với đối tượng đang được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề: Cấp thành phố là 100.000 đồng/người/ngày làm việc; Cấp quận, huyện, thị xã là 80.000 đồng/người/ngày làm việc.

Công tác lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phi từ ngân sách nhà nước để thực hiện hỗ trợ tuân theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Nghị quyết cũng quy định kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách hỗ trợ đặc thù của thành phố Hà Nội đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn thành phố thuộc cấp nào thì do ngân sách cấp đó bảo đảm thực hiện theo quy định.

HĐND thành phố giao UBND thành phố tổ chức thực hiện các quy định của Nghị quyết. Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, nếu vướng mắc, cần sửa đổi bổ sung, UBND TP kịp thời báo cáo Thường trực HĐND thành phố để giải quyết theo thẩm quyền.

Trước đó, trình bày Báo cáo thẩm tra Tờ trình dự thảo nghị quyết, Ban Pháp chế-HĐND TP cho biết, ngày 14/12/2016, Chính phủ ban hành Thông tư số 320/2016/TT-BTC quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Căn cứ Thông tư số 320/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, HĐND Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 03/2017/NQ- HĐND ngày 3/7/2017 "Về việc quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố", quy định chế độ bồi dưỡng đối với người làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ảnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Phó trưởng Ban chuyên trách, Ban Pháp chế-HĐND TP Nguyễn Bích Thủy trình bày báo cáo thẩm tra
Phó trưởng Ban chuyên trách, Ban Pháp chế-HĐND TP Nguyễn Bích Thủy trình bày báo cáo thẩm tra

Tuy nhiên, mức quy định này được áp dụng chung cho cán bộ tiếp công dân, chưa có sự phân biệt cán bộ, công chức chuyên trách và không chuyên trách trong hoạt động tiếp công dân và xử lý đơn thư. Qua 6 năm thực hiện Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND của HĐND TP, mức chi này đến nay chưa thực sự quan tâm, động viên và khích lệ đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân và xử lý đơn thư với những nhiệm vụ, yêu cầu thực tế ở một đô thị đặc biệt, với áp lực của công việc mang tính chất đặc thù.

Hà Nội với vai trò, vị trí là Thủ đô của cả nước, nơi đặt nhiều trụ sở các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, nơi tập trung đông dân cư, có số lượng đơn thư lớn, tính chất phức tạp. Qua thống kê nhiều năm gần đây cho thấy số lượng đơn thư tiếp nhận và số lượt tiếp công dân của thành phố Hà Nội là rất lớn. Đồng thời qua theo dõi báo cáo, từ năm 2017 đến năm 2022, theo số liệu thống kê sơ bộ thì cấp thành phố đã xử lý hơn 88.000 đơn và kết luận hơn 2.000 vụ việc khiếu nại, tố cáo. Vì vậy cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo phải chịu sức ép rất lớn do áp lực và tính chất công việc cũng như thời gian thực hiện, bên cạnh đó còn có nguy cơ bị lây nhiễm dịch bệnh nguy hiểm, trong khi chưa có chế độ hỗ trợ riêng đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ thường xuyên ở lĩnh vực này.

Ngày 7/10/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH15 về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do vậy, việc UBND TP báo cáo, trình HĐND TP ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ đặc thù của Thành phố Hà Nội đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn thành phố là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của thành phố trong giai đoạn hiện nay.