Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội thông qua đề án cải tạo chung cư cũ: Tháo gỡ vướng mắc, sớm triển khai

Hồng Thái. Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Phó Trưởng Ban Đô thị (HĐND TP Hà Nội) Trần Hợp Dũng, trong đại dịch Covid-19 vừa qua, việc sử dụng chung công trình phụ trợ không đủ điều kiện tại nhà chung cư cũ là nguyên nhân dẫn tới việc lây nhiễm dịch bệnh cao trong cộng đồng. Thực tiễn trên đòi hỏi TP cần cấp thiết hoàn thành công tác kiểm định, đánh giá chất lượng chung cư cũ...

Sáng 23/9, tại Kỳ họp thứ Hai, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026, 100% đại biểu có mặt đã biểu quyết, tán thành thông qua Nghị quyết về chủ trương ban hành “Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội”.

Lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025

Trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, công tác cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp đã được Chính phủ, Thành ủy, HĐND TP, UBND TP quan tâm, chỉ đạo xuyên suốt quá trình. Đến nay, TP có khoảng 1.579 nhà chung cư cũ, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954. Đến nay, qua nhiều thập kỷ, hầu hết chung cư cũ đã hết niên hạn sử dụng, bộc lộ nhiều hạn chế trong việc quản lý, vận hành và khai thác sử dụng; qua quá trình sử dụng, sửa chữa cơ nới tự phát, chung cư cũ và hạ tầng kèm theo đã bị biến đổi cấu trúc, hư hỏng, xuống cấp, có nguy cơ sup đổ, hiểm đến tính mạng và tài sản nhân dân.

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong trình bày Tờ trình tại Kỳ họp

Quá trình triển khai rà soát, đánh giá toàn bộ các chung cư cũ theo các mức tình trạng kỹ thuật để lựa chọn kiểm định đối với chung cư cũ có dấu hiệu nguy hiểm cấp độ D. Kết quả rà soát: có 42 chung cư mức 1, có 1.449 chung cư mức 2, có 88 chung cư mức 3, có 25 nhà còn lại đã được cải tạo, sửa chữa đảm bảo an toàn cho người sử dụng; đã tổ chức kiểm định 401 chung cư (trong đó: cấp B có 148 chung cư; cấp C có 245 chung cư; cấp D có 8 chung cư (trong đó 2 nhà cấp D đã hoàn thành cải tạo, xây dựng lại và đưa vào sử dụng là C1 Thành Công và B6 Giảng Võ))...

Trên cơ sở đánh giá những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn quá trình triển khai, UBND TP dự kiến triển khai các nhóm giải pháp trọng tâm. Trong đó, bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025; Ưu tiên kiểm định trước đối với chung cư cũ nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ, chung cư hư hỏng nặng. Phấn đấu hoàn thành công tác kiểm định cho tất cả các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội hoàn thành trong quý II/2023.

“Hiện nay, Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đang được Sở Xây dựng nghiên cứu lập trên cơ sở Kế hoạch tổng rà soát, khảo sát, kiểm định nhà chung cư cũ, dự kiến hoàn thành trước ngày 15/12/2021. Lựa chọn triển khai ban đầu 10 khu chung cư cũ giai đoạn 2021-2025; trong đó, lựa chọn 6 khu có tính khả thi cao như: Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân... và 4 khu có nhà nguy hiểm cấp D (Giảng Võ; Thành Công; Ngọc Khánh; Bộ Tư pháp). Đôn đốc 14 dự án cải tạo xây dựng lại nhà chung cư đang triển khai; Rà soát bổ sung triển khai đối với nhà chung cư đơn lẻ cấp D...” - Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong thông tin.

Nguyên nhân lây nhiễm dịch bệnh cao trong cộng đồng

Báo cáo thẩm tra, Phó Trưởng Ban Đô thị (HĐND TP) Trần Hợp Dũng cho biết, hạ tầng của nhiều khu chung cư cũ không đáp ứng được yêu cầu sử dụng. Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, việc sử dụng chung công trình phụ trợ không đủ điều kiện tại nhà chung cư cũ là nguyên nhân dẫn tới việc lây nhiễm dịch bệnh cao trong cộng đồng.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ hai, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 bấm nút thông qua Nghị quyết

Thực tiễn trên đòi hỏi TP cần cấp thiết hoàn thành công tác kiểm định, đánh giá chất lượng chung cư cũ, di chuyển người dân tại chung cư nguy hiểm, hư hỏng nặng đến nơi ở tạm cư để đảm bảo an toàn. Đồng thời, cần phải có kế hoạch triển khai đồng bộ quy hoạch, đầu tư xây dựng lại, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị khu vực chung cư cũ, nhằm nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phục vụ tái định cư, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, cũng như giá trị kiến trúc cảnh quan, hướng tới phát triển đô thị xanh, văn minh, hiện đại, bền vững, đáp ứng được yêu cầu phát triển mới.

Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội là nhiệm vụ lớn, cấp thiết, khó khăn, phức tạp, đã qua nhiều năm triển khai nhưng kết quả thực hiện còn rất hạn chế. Để khắc phục tình trạng đó, UBND TP đã chủ động xây dựng Đề án, tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng, góp ý, kiến nghị nhiều nội dung, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, theo đó đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo động lực để triển khai cải tạo, xây dựng lại hệ thống chung cư cũ...

Thu hút các nhà đầu tư tham gia cải tạo chung cư cũ

Theo đánh giá của Ban Đô thị, đề án được UBND TP chỉ đạo nghiên cứu công phu, trên cơ sở khảo sát, đánh giá thực tiễn kết quả, tồn tại, hạn chế và những khó khăn, vướng mắc trong công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ của TP những năm qua. Quá trình nghiên cứu Đề án, TP đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành thuộc các cục,vụ, viện, các hiệp hội T.Ư và TP, một số doanh nghiệp lớn, chủ đầu tư các dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn, đồng thời xin ý kiến Bộ Xây dựng...

Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tiếp thu, giải trình

“Cùng với các chính sách ưu đãi đầu tư của T.Ư đã được xác định trong Đề án, UBND TP cần tiếp tục rà soát đánh giá kết quả thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư đặc thù của TP đã được ban hành, trên cơ sở đó đề xuất HĐND TP sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư của TP phù hợp với quy định của pháp luật, nhằm thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư tham gia đầu tư cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn TP” - Phó Trưởng Ban Đô thị Trần Hợp Dũng thông tin.

Phát biểu tiếp thu, giải trình, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, UBND TP đã phối hợp Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức giám sát tại 6 quận, huyện về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và hội nghị phản biện xã hội vào đề án “Cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội”. Thông qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân Thủ đô quan tâm đối với những vấn đề cấp bách như công tác phòng chống dịch bệnh, những vấn đề bức xúc dân sinh GPMB, cải tạo chung cư cũ, ô nhiễm môi trường, đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải, cấp nước sạch, dự án xây mới hệ thống trường học...

Trong thời gian tới, UBND TP sẽ tập trung, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra và mong muốn của đại biểu, nhân dân Thủ đô. Cùng đó, UBND TP xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai ngay đối với các Nghị quyết được HĐND TP thông qua tại kỳ họp này. Nhất là những Nghị quyết có tính chất quan trọng, xuyên suốt, tác động lâu dài, trực tiếp đến người dân như về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...