Hà Nội: Thông qua Nghị quyết cho phép tăng phí sử dụng hè, đường từ 1/1/2018

Ngọc Hải - Phạm Hùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - HĐND TP Hà Nội thông qua Nghị quyết cho phép tăng phí sử dụng hè, đường từ 1/1/2018.

Ngày 5/12, Kỳ họp thứ 5, HĐND khoá XV, nhiệm kỳ 2016 - 2020 đã lắng nghe ý kiến góp ý của các địa biểu về Tờ trình “Sửa đổi bổ sung quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội”.

Theo phương án được UBND TP Hà Nội đề xuất, từ ngày 1/1/2018 tới, mức thu phí sử dụng lòng đường, hè phố để trông giữ tạm thời phương tiện giao thông sẽ được điều chỉnh cả về mức thu và hình thức thu.
 Cục Trưởng cục thuế Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh đọc tờ trình tại kỳ họp HĐND 
Cụ thể, mức phí sẽ tăng gấp 3 lần tại khu vực lõi đô thị gồm 12 tuyến phố bảo tồn cấp I trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và giảm dần theo hướng dịch chuyển ra các Vành đai 1, 2, 3; bên ngoài Vành đai 3 sẽ giữ nguyên.

Phí sử dụng hè, đường sẽ được thu theo diện tích sử dụng thực tế (m2/tháng) với các điểm trông giữ tạm trên hè, đường; thu theo % doanh thu đối với mô hình trông giữ ứng dụng công nghệ thông tin – iParking.

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Hoàng Huy Được, Tổ đại biểu huyện Ba Vì đặt câu hỏi: “Khi tăng phí ai là người sẽ được thụ hưởng và TP sẽ thu về được bao nhiêu tiền từ mức phí này?”. Ông Được cho rằng, việc thu phí nhằm tái đầu tư cho lòng đường, vỉa hè là cần thiết nhưng nên cho đấu thầu sử dụng lòng đường, vỉa hè trông giữ phương tiện. “Cần phải minh bạch trong quá trình tăng phí, giá, công khai cụ thể cho người dân tiếp cận, hiểu và đồng thuận” - ông Được nhấn mạnh.
 Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, (tổ Đại biểu huyện Thạch Thất) phát biểu thảo luận
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam, (tổ Đại biểu huyện Thạch Thất) cho rằng, TP đã thông qua nhóm các giải pháp để giảm thiểu UTGT, trong đó có các biện pháp kinh tế. Không nên đặt vấn đề là thu được bao nhiêu từ việc tăng giá phí mà nên coi đó như giải pháp nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, giảm UTGT cho khu vực trung tâm.

“Dùng biện pháp kinh tế để điều tiết giao thông là cần thiết” - ông Nam nhấn mạnh. Tuy nhiên, đồng tình với Đại biểu Hoàng Huy Được, ông Nam cho rằng cần phải tăng cường kiểm tra, siết chặt quản lý đối với tình trạng trông giữ phương tiện tự phát, thu quá giá tràn làn hiện nay.

Trước những thắc mắc và kiến nghị của đại biểu HĐND, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện đã có giải trình cụ thể. Ông Viện khẳng định, điều chỉnh giá trông giữ phương tiện là để hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là khu vực lõi đô thị.

“Để điều tiết nguồn thu từ giá trông giữ về ngân sách TP, tránh tình trạng người trông giữ trục lợi từ chính sách nên cần thiết phải tăng phí sử dụng hè, đường” - ông Viện cho hay.

Ông Viện cũng thẳng thắn cho biết hiện giá trông giữ xe theo quy định của TP chỉ là 2.000 đồng đối với xe đạp, 5.000 đồng đối với xe máy và 20.000 - 30.000 đồng đối với ô tô. Tuy nhiên thực tế là các điểm trông giữ đã thu cao hơn từ lâu. Việc tăng giá trông giữ lên tiệm cận với giá thực tế trên thị trường hiện nay là cần thiết.
 Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện phát biểu làm rõ vấn đề đại biểu quan tâm
Đặc biệt, ông Nam nhấn mạnh đến việc quy trách nhiệm đối với cơ quan quản lý việc trong giữ phương tiện. TP dứt khoát phải quy hoạch lại giao thông tĩnh, khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này nhưng cũng cần dứt khoát chấn chỉnh các vi phạm trong lĩnh vực này.

Đại diện Ban Kinh tế - ngân sách, HĐND TP Hà Nội cũng đã trình bày báo cáo thẩm tra Tờ trình về việc tăng phí sử dụng hè, đường. Theo đó, Đề án đã được xây dựng đúng theo các quy định của pháp luật, được đưa ra lấy ý kiến công khai của người dân và các cơ quan đoàn thể chính trị của TP.

Sau khi xem xét, HĐND TP Hà Nội đã chính thức thông qua Nghị quyết về “Sửa đổi bổ sung quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội” với 97% phiếu ủng hộ. Dự kiến, mức phí mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2018, cùng thời điểm với việc áp dụng mức giá trông giữ phương tiện mới trên địa bàn Thủ đô.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần