Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Thu nội địa vượt dự toán giữa khó khăn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp khai thác tăng thu, bù đắp các khoản hụt thu nên dự kiến tổng thu ngân sách năm 2022 qua Cục Thuế TP Hà Nội đạt hơn 300.000 tỷ đồng, đạt 107,9% dự toán, tăng 2,4% so với thực hiện năm 2021.

Quyết liệt tăng thu, bù đắp hụt thu

Phát biểu tại Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp, khoa học và công nghệ năm 2023 do UBND TP Hà Nội tổ chức ngày 12/12, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, năm 2022, nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn Hà Nội do Trung ương và TP giao cho cơ quan Thuế thực hiện tổng số 281.830 tỷ đồng; bằng 24% dự toán thu nội địa của cả nước và cao nhất trong 63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Trong năm nay, tình hình thu nội địa của TP gặp nhiều khó khăn. Đầu tiên là thu tiền sử dụng đất giảm (ước thu tiền sử dụng đất năm 2022 chỉ được 13.300 tỷ - giảm so với số liệu tại báo cáo KTXH năm 2022, đạt 66,5% dự toán, giảm 19,5% so cùng kỳ năm 2021 và là năm thứ 2 liên tiếp không hoàn thành dự toán). Cùng với đó, nguồn thu cũng giảm trên 24.000 tỷ đồng khi triển khai các chính sách mới và các chính sách miễn giảm hỗ trợ của Trung ương...

Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn báo cáo tại Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp, khoa học và công nghệ năm 2022 của TP ngày 12/12.
Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn báo cáo tại Hội nghị triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu chi ngân sách, tổng biên chế hành chính, sự nghiệp, khoa học và công nghệ năm 2022 của TP ngày 12/12.

Tuy nhiên, nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp khai thác tăng thu, bù đắp các khoản hụt thu nên dự kiến tổng thu ngân sách năm 2022 thực hiện 303.989 tỷ đồng, đạt 107,9% dự toán, tăng 2,4% so với thực hiện năm 2021.

Điều đáng mừng là cơ cấu thu tiếp tục chuyển dịch theo hướng bền vững, nâng tỷ lệ thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh và giảm dần các khoản thu liên quan đến tài nguyên, đất đai cùng với các chỉ tiêu thu NSNN quan trọng đều hoàn thành vượt dự toán thu (trong đó có 7 chỉ tiêu thu ngân sách vượt dự toán và có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021).

Trong năm 2022, ngành thuế Thủ đô dự kiến hoàn thành 16.512 cuộc thanh tra kiểm tra, đạt 106% so với kế hoạch giao, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021; truy thu và xử phạt 3.057 tỷ đồng; ước thu hồi nợ và xử lý 9.038 tỷ đồng nợ thuế, giảm mức nợ trên dưới 90 ngày trên tổng thu NSNN xuống còn 4,3% và tổng nợ giảm 0,7% tổng số nợ so với đầu năm.

Kết quả thu NSNN năm 2022 một lần nữa khẳng định các chủ trương, chính sách; các nội dung chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi… của Chính phủ, triển khai của Bộ Tài chính, của Thành phố đã thực sự phát huy hiệu quả.

Chú trọng nguồn thu bền vững

Năm 2023, tổng dự toán thu nội địa của TP được giao là 325.902 tỷ đồng, tăng 7,2% so với ước thực hiện năm 2022. Trong đó, tổng thu nội địa trừ tiền sử dụng đất, xổ số, cổ tức - lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi ngân hàng là 241.870 tỷ đồng, tăng 9,4% so với ước thực hiện năm 2022; thu từ khu vực sản xuất kinh doanh là 156.788 tỷ, tăng 9,3% so với với ước thực hiện năm 2022 (đặc biệt: thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 14% so với với mức ước thực hiện cao năm 2022). Ngoài ra, dự toán thu tiền sử dụng đất cũng tăng 27,8% so với với ước thực hiện năm 2022…

Trong bối cảnh kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn khi chịu bất ổn kinh tế - chính trị thế giới; chịu ảnh hưởng bất lợi của biến động tỷ giá, lãi suất cho vay; sự khan hiếm nguồn cung cùng với sự tăng giá nhiều yếu tố đầu vào... Vì vậy, việc hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2023 sẽ càng trở nên thách thức hơn.

Để đạt được nhiệm vụ được giao, ông Mai Sơn cho biết: Cục Thuế đang nhanh chóng xây dựng ngay kế hoạch, chương trình hành động cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện, phân công nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể tới từng tập thể, cá nhân. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Cùng với đó, triển khai thực hiện tốt các chức năng quản lý thuế. Kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, mở rộng, bao quát nguồn thu, chống xói mòn cơ sở thuế nhằm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu ngân sách và phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2023 được giao. Thường xuyên chuẩn hóa, “làm sạch” và duy trì cơ sở dữ liệu ”sạch” về người nộp thuế (NNT). Giám sát việc kê khai và đôn đốc thu nộp đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời .

Chú trọng nuôi dưỡng nguồn thu bền vững. Xác định NNT là trung tâm. Thường xuyên đối thoại, trao đổi thông tin, nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của DN, NNT để đồng hành, tháo gỡ cho doanh nghiệp, NNT. Phân nhóm NNT và thực hiện tuyên truyền hỗ trợ thiết thực, đáp ứng theo nhu cầu từng nhóm NNT.

Tập trung nhân lực chống thất thu, chuyển giá, chống xói mòn cơ sở thuế như vốn mỏng, chi phí lãi vay, thương mại điện tử xuyên biên giới, giao dịch tài chính (đặc biệt là các giao dịch tài chính xuyên biên giới, giao dịch qua các cổng thanh toán,….).

Thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đọng. Duy trì hoạt động một cách thiết thực, hiệu quả của Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn nhằm đảm bảo tỷ lệ nợ thuế không vượt quá 8% tổng thu NSNN, không để nợ mới phát sinh …

Mặt khác, hiện đại hóa công tác quản lý thuế với phương thức điện tử. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các sở, ngành, cấp chính quyền địa phương và đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong công tác quản lý thu ngân sách trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.