Thông tin từ Cục Thuế TP Hà Nội, trên cơ sở tiền đề của công tác triển khai quản lý thương mại điện tử (TMĐT) từ năm 2017, một số nguyên tắc về quản lý thuế đối với giao dịch TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Cục thuế TP Hà Nội đã cụ thể hóa chính sách thuế nhằm quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này.
Đến tháng 7/2021, cơ quan thuế đã đưa vào quản lý 382 cá nhân có hoạt động cung cấp sản phẩm ứng dụng/sản phẩm nội dung tại các khu vực ứng dụng Google Play, Apple Store…. Các cá nhân đã thực hiện kê khai thuế đầy đủ theo quý, số thuế đã nộp lũy kế từ năm 2018 đến nay là 203 tỷ đồng, trong đó 7 tháng năm 2021 là 39 tỷ đồng.
Cơ quan thuế Hà Nội đã rà soát các hình thức bán hàng của 32.085 thông tin giao dịch cơ sở kinh doanh có sử dụng ứng dụng giao hàng. |
Cơ quan thuế Hà Nội cũng đồng thời thực hiện rà soát các hình thức bán hàng của 32.085 thông tin giao dịch cơ sở kinh doanh có sử dụng ứng dụng giao hàng và dữ liệu về 756 chủ cơ sở cho thuê nhà, cung cấp dịch vụ lưu trú.
Trước đó, từ ngày 1/7/2020, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 chính thức có hiệu lực, lần đầu tiên đã có quy định về quản lý thuế đối với các hoạt động TMĐT. Tại Cục thuế TP Hà Nội, số thuế thu từ hoạt động TMĐT của năm 2020 đã tăng gấp gần 5 lần so với năm 2019. Nhiều cá nhân tự nguyện đến kê khai và nộp thuế với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.
Cá nhân nộp thuế tiêu biểu này là một nữ giới, 28 tuổi, có hộ khẩu tại quận Cầu Giấy. Người phụ nữ này đã sáng tác ra nhiều phần mềm được các ứng dụng Google Play và App Store đăng tải, và có tổng thu nhập lên tới 330 tỷ đồng, nộp thuế 23,4 tỷ đồng. Một cá nhân nộp thuế tiêu biểu khác là nam giới, 30 tuổi, cũng có địa chỉ tại quận Cầu Giấy. Nam thanh niên này cũng sáng tác ra nhiều phần mềm được các ứng dụng trên thế giới sử dụng và có thu nhập 260 tỷ đồng, nộp thuế 18,1 tỷ đồng.
Chi Cục trưởng Chi cục Thuế quận Cầu Giấy Lê Quang Hùng cho biết, trong năm 2020, Chi cục thuế quận Cầu Giấy đã có 65 cá nhân kinh doanh online kê khai và nộp thuế tới 55 tỷ đồng, ngoài ra còn hàng trăm cá nhân khác đã tự nguyện kê khai, nhưng chưa đến ngưỡng phải nộp thuế và vẫn trong diện quản lý.
"Kinh doanh qua mạng phát triển rất tốt. Không chỉ có những trường hợp kinh doanh qua mạng nói trên mà còn khá nhiều những cá nhân trẻ, có những trường hợp là sinh viên cũng áp dụng công nghệ để kinh doanh. Chúng tôi thấy rằng dù đóng góp ít hay nhiều thì trong bối cảnh khó khăn này là đóng góp lớn cho tình hình sản xuất kinh doanh" - ông Hùng nhấn mạnh.
"Chúng tôi thường xuyên phối hợp với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhà mạng cung cấp để có cơ sở dữ liệu thông tin về hoạt động kinh doanh, các cá nhân có thu nhập phát sinh. Trên cơ sở đó, vận động các cá nhân đó tự động kê khai và nộp thuế" - ông Hùng nói thêm.