Hà Nội thúc đẩy xuất khẩu tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng tốc cuối năm

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu (XK) của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Để phục hồi XK trong bối cảnh dịch Covid-19 dần được kiểm soát, TP Hà Nội đã xây dựng phương án phục hồi sản xuất nhằm tạo động lực cho các doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch XK 16,78 tỷ USD trong năm 2021.

Nhiều điểm sáng trong dịch Covid-19
Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong quý III/2021 mặc dù dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất đình đốn nhưng kim ngạch XK của Hà Nội vẫn đạt gần 3,9 tỷ USD, tăng 0,9% so với quý II, đưa kim ngạch XK của Hà Nội trong 9 tháng đạt 11,1 tỷ USD. Điều đáng nói, một số mặt hàng XK chủ lực của TP Hà Nội đã có sự tăng trưởng. Cụ thể, điện thoại và linh kiện đạt 268 triệu USD, tăng 49,9% so với cùng kỳ 2020; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,131 tỷ USD, tăng 41,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 531 triệu USD, tăng 38,4%; giày dép đạt 243 triệu USD, tăng 31,5%; máy móc, thiết bị phụ tùng đạt 1,438 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ 2020.
 Dây truyền sản xuất hàng XK tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông 

Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm 2021, các doanh nghiệp XK chủ lực của TP Hà Nội đã có phương án khắc phục khó khăn, hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại do dịch Covid-19, qua đó duy trì sản xuất, ổn định đơn hàng.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Lê Anh Tuấn cho biết, trước tình hình nhiều thị trường nước ngoài đóng cửa, đơn hàng bị hủy, Hapro đã cố gắng tìm kiếm thị trường mới, phát triển thêm các mặt hàng XK. Ngoài ra Hapro đã cơ cấu hoạt động xuất khẩu theo hướng tinh giản, hiệu quả, thường xuyên kết nối thông tin với thương vụ Việt Nam, qua đó nắm bắt thị hiếu, xu hướng tiêu dùng của thị trường, lựa chọn mặt hàng XK phù hợp. "Đơn vị đã chủ động nguồn hàng XK thông qua đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến hàng nông sản...” ông Lê Anh Tuấn chia sẻ.
Tương tự, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông Nguyễn Đoàn Kết thông tin, trong 9 tháng qua, doanh nghiệp đã XK lượng hàng hóa trị giá 411 tỷ đồng tới gần 20 quốc gia, trong đó nhiều thị trường mới ở khu vực Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Đông Bắc Á…
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, một trong những nguyên nhân thúc đẩy hoạt động XK trong dịch Covid-19 là do tận dụng cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do (FTA), qua đó khai thác thị trường mới. Ngoài ra, các thị trường XK truyền thống như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… bắt đầu hồi phục cũng đã tạo cơ hội cho doanh nghiệp tăng kim ngạch XK.
Xây dựng kịch bản hồi phục
Mặc dù hoạt động XK của TP Hà Nội đã có nhiều điểm sáng, nhưng dịch Covid-19 khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa khó khăn, giá dịch vụ logistics tăng cao, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ thiếu lao động, công nhân tay nghề cao.
Để khắc phục khó khăn, hoàn thành mục tiêu XK năm 2021, các chuyên gia kinh tế cho rằng cơ quan quản lý, doanh nghiệp phải xây dựng kịch bản hồi phục sản xuất, XK từ nay đến cuối năm. Đồng thời, những địa phương đầu tầu trong hoạt động XK như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cũng thực hiện các kịch bản phục hồi kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong nêu rõ, từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp Hà Nội muốn tăng trưởng kim ngạch XK  cần tranh thủ hiệu quả cơ hội từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết. “Bên cạnh phát triển thị trường mới, doanh nghiện cần tận dụng sự phục hồi của thị trường Hoa Kỳ, châu Âu qua đó đẩy mạnh XK các mặt hàng Hà Nội có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ… trong dịp mua sắm cuối năm” - TS Nguyễn Minh Phong khuyến nghị.
 Sản xuất thiết bị điện XK thương hiệu Sino 

Trong khi đó dưới góc độ doanh nghiệp, Phó Tổng giám đốc Công ty CP dây và cáp điện Thượng Đình Huỳnh Tấn Quyền kiến nghị, thời gian tới TP Hà Nội, Bộ Công Thương nên hỗ trợ doanh nghiệp thông qua giảm chi phí logistics, giãn, giảm thuế và hỗ trợ vay vốn…  “Đặc biệt cơ quan quản lý cần đơn giản thủ tục xuất, nhập khẩu để doanh nghiệp thực hiện đúng tiến độ giao hàng”- ông Huỳnh Tấn Quyền kiến nghị.
Trước những khuyến cáo, kiến nghị của chuyên gia, doanh nghiệp, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, Sở sẽ tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn trực tuyến về việc tận dụng ưu đãi từ những FTA thế hệ mới, đồng thời cải cách thủ tục hành chính, tăng cường xúc tiến thương mại...
Nhằm hỗ trợ DN trong nước đẩy mạnh XK, Bộ Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp. Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các lợi thế từ FTA đã có hiệu lực, tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào những thị trường có thuế quan ưu đãi; Hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách. Bộ Công Thương cũng đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc đề nghị tạo thuận lợi cho hoạt động XK hàng hóa qua cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Chính phủ, các bộ, ngành cũng như hiệp hội, ngành hàng cần quan tâm tới cả 2 vấn đề: Đầu vào và đầu ra. Về đầu vào, cần giảm thiểu sự tập trung của thị trường nhập khẩu. Về đầu ra, cần giảm thiểu tập trung vào một vài thị trường lớn. Về phía địa phương, cần tập trung xây dựng phát triển thương hiệu đối với các mặt hàng có thế mạnh XK.

Chuyên gia Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

TP Hà Nội sẽ ban hành, thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế gắn với phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện xây dựng, thực hiện kế hoạch phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong từng ngành, lĩnh vực, khu, cụm công nghiệp; Đẩy mạnh các hoạt động thương mại, dịch vụ, hoạt động logistics; kích cầu tiêu dùng, quảng bá, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; đẩy mạnh thương mại điện tử; bình ổn thị trường...

Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần