Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp lấy lại đà tăng trưởng kinh tế

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những tháng cuối năm 2021, Hà Nội đang triển khai đồng bộ các giải pháp để duy trì, phục hồi phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp…

Nỗ lực vượt khó tăng trưởng trong đại dịch

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội quý II tăng 6,61%, cao hơn quý I (tăng 5,17%), góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung 6 tháng đầu năm đạt 5,91%, cao hơn mức trung bình của cả nước (5,64%). Một số chỉ tiêu 8 tháng cũng tăng khá, như thu ngân sách đạt 164.483 tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán Trung ương giao, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước; sản xuất công nghiệp tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 9,7 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 22,5 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ.

 Ảnh minh họa

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục cải thiện: Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 841,8 triệu USD; thu hút đầu tư trong nước ngoài ngân sách đạt 9.599 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 164.400 tỷ đồng, tăng 8,4%.

TP tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ nhà đầu tư, DN từ khâu đăng ký kinh doanh đến triển khai dự án và tháo gỡ khó khăn; đồng thời rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai, tạo môi trường đầu tư lành mạnh và bình đẳng trong tiếp cận đất đai.

TP duy trì thực hiện 100% hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng. Đến hết quý II, hồ sơ DN đăng ký trực tuyến mức độ 3 đạt tỷ lệ 69%, mức độ 4 đạt 31%. Triển khai thực hiện việc trả kết quả hồ sơ lĩnh vực đăng ký DN 100% qua dịch vụ bưu chính đối với các DN thuộc địa bàn 6 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hoàng Mai, Hà Đông, Cầu Giấy từ ngày 1/3/2021 và đối với các DN thuộc địa bàn 6 quận còn lại từ ngày 1/6/2021. Hà Nội khuyến khích DN thuộc các địa bàn còn lại trên địa đăng ký trả kết quả qua bưu điện.

Có thể thấy, dù trong bộn bền khó khăn trước tác động của dịch Covid-19, Hà Nội vẫn tạo được dấu ấn trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội. UBND TP Hà Nội đã xây dựng kế hoạch điều hành kinh tế - xã hội theo 2 kịch bản trong quý III và quý IV/2021, tuy nhiên sẽ phấn đấu đạt kịch bản cơ sở là quý IV đạt tăng trưởng 6,98% và cả năm đạt 4,54%.

Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế 

Để phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng năm 2021, trong những tháng cuối năm, cùng với việc tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội đã xác định tập trung thực hiện hiệu quả 8 nhóm nhiệm vụ để triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường…

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đã phối hợp các đơn vị liên quan tích cực triển khai các biện pháp bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn, thúc đẩy xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên thị trường trong nước. Trong khi Sở Tài chính tiếp tục tham mưu UBND TP Hà Nội trong việc tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch và các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Sở TT&TT đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; chủ động có giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ người dân, DN chuyển đổi số…

TP yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư; đẩy nhanh giải ngân, nhất là vốn đầu tư công; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp… Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu. TP yêu cầu thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND TP, Chủ tịch UBND TP về kết quả giải ngân vốn đầu tư công của cơ quan, địa phương, đơn vị.

Hà Nội đang từng bước khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội ở trạng thái bình thường mới. Trong giai đoạn đầu tiên, từ ngày 21 đến ngày 30/9, các DN, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh theo quy định được mở cửa hoạt động trở lại với 50% công suất và phải đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán mang về và đóng cửa trước 21 giờ hằng ngày. Các chợ chỉ kinh doanh mặt hàng thiết yếu tại chợ, đảm bảo tuân thủ nghiêm nguyên tắc 5K; 100% người ra vào chợ phải quét mã QR; giữ khoảng cách 2m. 

Tới giai đoạn 2, nếu tình hình dịch được khống chế hoàn toàn, từ đầu tháng 10/2021, một số quận huyện sẽ chuyển sang trạng thái bình thường mới với việc cho phép các DN, nhà máy, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn quận được hoạt động 100% công suất trong trạng thái bình thường mới và phải chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh…

Sau giãn cách, các DN trên địa bàn Thủ đô cũng đang nỗ lực tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh. Sự sẵn sàng, quyết tâm của cộng đồng xã hội, DN cũng tạo thêm cơ hội để nền kinh tế tăng tốc khi thời cơ đến.