Hà Nội thực hiện tốt Luật Giám định Tư pháp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 24/11, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” (Đề án 258) và sơ kết 3 năm triển khai thi hành Luật Giám định Tư pháp.

Thực hiện Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày  11/2/2010 (Đề án 258), UBND TP Hà Nội đã quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, củng cố và tăng cường về tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp, đồng thời chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các hoạt động giám định tư pháp theo yêu cầu đề ra của Đề án.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích tích trong công tác giám định tư pháp
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn trao Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích tích trong công tác giám định tư pháp
Kết quả, đã hoàn thiện hệ thống tổ chức giám định tư pháp với 3 tổ chức giám định tư pháp công lập trên địa bàn TP là Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Thành phố; Trung tâm Pháp y Hà Nội; Trung tâm giám định pháp y tâm thần Hà Nội. Với số lượng 30 giám định viên tư pháp và một lượng lớn người làm giám định tư pháp theo vụ việc (kiêm nhiệm). TP cũng đã chỉ đạo bố trí đủ biên chế và trang bị cơ sở vật chất, thiết bị làm việc cho các tổ chức giám định tư pháp. 

Về kết quả giám định kỹ thuật hình sự từ năm 2010 đến nay đã thực hiện 38.680 vụ; Trung tâm Pháp y đã thực hiện 5.770  vụ. Từ năm 2012 đến nay, các tổ chức giám định của TP đã thực hiện 28 vụ về lĩnh vực thuế; lĩnh vực thông tin và truyền thông từ năm 2011 đến nay đã  giám định 8 vụ;  lĩnh vực văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ năm 2013 đến nay đã tiến hành thực hiện giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng 27 vụ việc.

Về các kết luận của các cơ quan giám định trên địa bàn TP đã cơ bản đáp ứng yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tránh oan sai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo, người bị hại, người có quyền và lợi ích liên quan trong vụ án hình sự, dân sự và hành chính. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám định tư pháp vẫn còn tồn tại như: Việc triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp thực hiện còn chậm, chưa tạo bước đột phá trong nhận thức và triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò của giám định tư pháp; cơ chế thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi tham gia hoạt động giám định tư pháp chậm được ban hành.

Sự quan tâm, chỉ đạo về công tác giám định tư pháp của một số sở, ngành có liên quan còn hạn chế; nhiệm vụ quản lý nhà nước theo vụ việc về giám định tư pháp của các sở, ngành chưa được giao cho một đầu mối cụ thể, cán bộ thực hiện nhiệm vụ này còn thiếu; nên ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò quản lý nhà nước về giám định tư pháp.

Việc củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, bảo đảm cơ sở vật chất cho các tổ chức giám định tư pháp thực hiện chậm, chưa đáp ứng tốt nhu cầu công việc đặt ra, nhất là tổ chức giám định pháp y.

Thông tin, cơ chế phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan quản lý nhà nước về giám định tư pháp chưa kịp thời khiến việc quản lý nhà nước về giám định tư pháp gặp khó khăn

Số giám định viên kỹ thuật hình sự, pháp y giảm trong khi số vụ việc tăng cao, mức độ phức tạp ngày càng nhiều dẫn đến quá tải trong công tác thụ lý, giám định; thời gian giám định vụ việc kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ điều tra.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Đề án Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, Hội nghị tổng kết là dịp quan trọng để nâng cao nhận thức của cơ quan tổ chức, người đứng đầu cơ quan tổ chức, đơn vị về vai trò quan trọng của công tác giám định tư pháp. Đến nay, về cơ bản Hà Nội đã thành công trong việc thực hiện Đề án. Đánh giá lại kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Luật, Đề án, từ thực tiễn triển khai và qua kiểm tra đánh giá của Ban Chỉ đạo, Ban Nội chính cho thấy hoạt động giám định tư pháp về cơ bản đáp ứng được yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử. Kết luận giám định thực sự đã trở thành một nguồn chứng cứ quan trọng để cơ quan điều tra truy tố xử lý vụ việc khách quan, chính xác, kịp thời, đúng người, đúng tội, đóng góp tích cực cho việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố..  Giá trị của công tác giám định  đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng một Thủ đô Hà Nội bình yên, ổn định về chính trị, tạo lòng tin vào người dân. 

Để công tác giám định ngày càng được hoàn thiện, Phó Chủ tịch cho rằng cần phải có sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền, đặc biệt tâm huyết, trách nhiệm, của đội ngũ giám định. Đội ngũ này cần được động viên, tôn vinh khi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sở Tư pháp – cơ quan thường trực thực hiện Đề án có đề xuất tổng thể nhu cầu trang thiết bị, kinh phí trong việc thực hiện nhằm tăng cường trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các tổ chức giám định tư pháp công lập và thực hiện việc hỗ trợ cho người giám định tư pháp.

Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, người đứng đầu cũng cần được chú trọng. Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, nhất là vai trò của cơ quan thường trực là Sở Tư pháp.