Hà Nội tiếp tục 'bịt' ngã tư để giảm ùn tắc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tăng nguy cơ tai nạn, ùn tắc và khiến người tham gia giao thông vi phạm luật... là những nội dung vừa được Sở GT-VT thừa nhận khi tiến hành bịt các ngã ba, ngã tư.

KTĐT - Tăng nguy cơ tai nạn, ùn tắc và khiến người tham gia giao thông vi phạm luật... là những nội dung vừa được Sở GT-VT thừa nhận khi tiến hành bịt các ngã ba, ngã tư.

Theo Sở GT-VT, sau ba đợt tổ chức giao thông trong năm 2009, giao thông Hà Nội đã có một số điểm tích cực: giảm được 70 nút thường xuyên xảy ra ùn tắc, hơn 20 nút không phải sử dụng đèn tín hiệu. Tốc độ phương tiện qua các nút giao thông là 80 - 90% khi lưu thông trên đường (trước đó chỉ 50 - 55%).

Tuy nhiên, sở này cũng thừa nhận, trong qúa trình tổ chức, cải tạo các nút giao thông đã phát sinh nhiều bất cập như: tăng nguy cơ tai nạn với người đi bộ, người khuyết tật khi sang đường; tăng nguy cơ ùn tắc giao thông tại các vị trí có phương tiện lớn, dải phân cách và các điểm quay đầu xe hẹp; các phương tiện không nhường đường cho người đi bộ tại các vị trí được tổ chức giao thông... Hạn chế trên xuất hiện nhiều nhất ở các tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông), Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân...

Từ những tồn tại này, năm 2010 Sở GT-VT tiếp tục nghiên cứu khảo sát và ghi nhận ý kiến, đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia giao thông...  để có phương án giải quyết tối ưu nhất cho vấn đề ùn tắc ở Hà nội.

Năm 2010 tiếp tục "bịt ngã tư"

Để giảm ùn tắc cho giao thông Thủ đô, năm 2010 Sở GT-VT đưa ra bốn nhóm giải pháp để thực hiện. Theo đó, dự kiến có khoảng 18 tuyến, nút giao thông được cải tạo.

Cụ thể, nhóm thứ nhất sẽ tiếp tục thực hiện việc đóng, mở dải phân cách tại nút giao nhau để buộc các dòng phương tiện phải quay đầu theo những hướng đã được tổ chức. Các nút giao thông sẽ được áp dụng giải pháp này gồm đường Trần Duy Hưng – Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Trãi - Trần Phú (Hà Đông), Kim Mã - Cầu Giấy, Tây Sơn, Giải Phóng - Lê Thanh Nghị...

Với nhóm thứ hai, phối hợp phân luồng giao thông và tạo luồng quay đầu bằng cách không đóng dải phân cách tại các nút giao nhau, điều chỉnh các pha đèn tín hiệu cho phù hợp tình hình giao thông mới. Các nút giao thông sẽ được áp dụng giải pháp này gồm: phố Huế, Đại Cồ Việt - Bạch Mai - Trần Khát Chân, Ô Chợ Dừa - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng...

Nhóm thứ ba, tách dòng giao thông theo phương tiện bằng cách lắp đặt dải phân cách mềm để tách nút giao thông thành hai dòng phương tiện cho xe hai bánh và bốn bánh. Các nút giao thông sẽ được áp dụng nhóm giải pháp này là Bưởi - Đào Tấn - Nguyễn Khánh Toàn...

Với nhóm thứ tư, sẽ mở rộng lòng đường, bổ sung biển báo, vạch sơn tại các nút giao thông. Các nút giao thông sẽ được áp dụng giải pháp này gồm Nghi Tàm - Yên Phụ, Cầu Diễn...

Cùng với các giải pháp trên, Sở GT-VT tiến hành điều chỉnh lại các luồng tuyến xe buýt, nhà chờ, trải thảm lại mặt đường, nghiên cứu thay đổi hướng đi (một chiều) trên nhiều tuyến phố và lắp đặt, xây dựng nhiều nút đèn, cầu vượt cho người đi bộ...