Hà Nội tìm cách kích cầu du lịch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Miễn thị thực chỉ là giải pháp tiền đề chứ không phải giải pháp giữ chân khách quốc...

Kinhtedothi - Miễn thị thực chỉ là giải pháp tiền đề chứ không phải giải pháp giữ chân khách quốc tế nếu không có sản phẩm, môi trường du lịch và chất lượng phục vụ tốt. Chính vì vậy, tại Hội nghị kích cầu du lịch từ 5 nước Tây Âu và Belarus diễn ra sáng 23/7, Hà Nội đã đặt ra mục tiêu, thời hạn cụ thể cho các DN lữ hành, vận tải, quản lý khách sạn.

Nâng chất lượng sản phẩm, môi trường du lịch

Sau chủ trương miễn visa tạm thời cho khách du lịch đến Việt Nam từ 5 nước Tây Âu và Belarus, Hà Nội cùng các địa phương khác đang căng mình tìm giải pháp thu hút khách từ các nước này. Bởi miễn thị thực chỉ là giải pháp tiền đề chứ không phải giải pháp giữ chân khách quốc tế nếu không có sản phẩm, môi trường du lịch và chất lượng phục vụ tốt. 
Khách du lịch nước ngoài mua quà lưu niệm.      Ảnh:Nguyễn Linh
Khách du lịch nước ngoài mua quà lưu niệm. Ảnh:Nguyễn Linh
"Rất buồn là thời gian lưu trú tại Hà Nội của khách từ 6 quốc gia ngày càng ngắn. Nếu như trước kia, Công ty có thể giữ chân du khách 2 - 3 đêm, thì giờ chỉ 1 - 2 đêm. Bởi 20 năm rồi, đến Hà Nội ngoài thăm Hồ Gươm, viếng Lăng Bác, không còn điểm tham quan hấp dẫn. Giờ có thêm điểm tham quan là Phủ Thành Chương cũng chỉ giữ chân khách chút thời gian ngắn trước khi lên máy bay. Làng nghề truyền thống quanh Hà Nội cũng đã biến đổi, làng Lụa Vạn Phúc chủ yếu lụa Trung Quốc, làng nghề Đồng Kỵ nay quá hiện đại" - bà Đỗ Mai Hương - Phó Tổng Giám đốc Công ty Hồ Gươm chia sẻ. Chính vì vậy, bà Hương mong muốn, trong chương trình kích cầu du lịch lần này, Hà Nội quan tâm đầu tư sản phẩm du lịch, nếu không Hà Nội là đầu mối khách đến nhưng sẽ thua các địa phương như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Quảng Bình.

Theo gợi ý của ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, "TP Hà Nội nên đầu tư xây dựng một số chương trình nghệ thuật đặc biệt, cố định tại một số rạp để du khách có thể cảm nhận và lắng nghe". Hiện nay, Hà Nội đã có các sản phẩm nghệ thuật từ Nhà hát múa rối Thăng Long, trích đoạn chèo. Tuy nhiên, múa rối khai thác 3 năm qua đã trở thành nhàm chán, sân khấu chèo chưa thật sự có lịch diễn cố định. Theo đề xuất, TP nên bỏ tiền đầu tư để các chương trình nghệ thuật này là mục thưởng thức miễn phí dành cho khách Tây, thay vì thu tiền vé như hiện nay. Các chương trình nghệ thuật cũng cần mở rộng loại hình, từ ca trù, xẩm, đến chèo, rối… 

Ông Trương Minh Tiến - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội ghi nhận những góp ý về sản phẩm nghệ thuật của các đơn vị lữ hành. Sau hội nghị này, Sở sẽ báo cáo, đề xuất với TP tạo thêm sản phẩm du lịch tại Hà Nội cho du khách. Ngoài ra, trong lĩnh vực sản phẩm phục vụ, các đơn vị cũng kiến nghị Hà Nội tập trung khôi phục các làng nghề truyền thống phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng và thời gian phục vụ của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long…

Quản lý khách sạn không thể thờ ơ

Thực tế hiện nay trong khi các DN lữ hành, DN vận tải nai lưng giảm giá, hút khách theo chủ trương của Chính phủ, thì các đơn vị quản lý khách sạn thờ ơ hưởng lợi từ nguồn du khách. Nhiều đơn vị quản lý khách sạn còn tăng giá phòng 20 - 30% khiến giá tour bị đẩy lên cao. Ông Lương Duy Ngân - Giám đốc Star Tour cho rằng: "Muốn kích cầu hiệu quả, giảm giá thành các tour, ngoài các DN lữ hành, cần sự tham gia của các đơn vị cung cấp dịch vụ như đơn vị vận chuyển, quản lý khách sạn". Ông Lương Duy Ngân đề xuất, Sở VHTT&DL Hà Nội, Hiệp hội du lịch… trong khả năng quản lý cần yêu cầu một số khách sạn 3, 4 hay 5 sao dành 20% số lượng phòng giảm giá 10 - 30% để tham gia vào chương trình kích cầu này.

Để việc kích cầu du lịch tại thị trường 5 nước Tây Âu và Belarus không phải là chủ trương trên giấy, ông Tiến yêu cầu các đơn vị lữ hành, DN vận tải, quản lý khách sạn phải cam kết thực hiện chương trình kích cầu, giảm giá, nâng cao chất lượng phục vụ. "Đây là nhiệm vụ, không phải là cuộc chơi" - ông Trương Minh Tiến nhấn mạnh. Giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này là sẽ thành lập các câu lạc bộ kích cầu, chia nhỏ từng đơn vị phối hợp, đưa ra từng phần việc cụ thể. Ngoài ra, đến nay, đại diện khách sạn Lotte, Marriott, DN vận chuyển taxi Vic, DN vận chuyển Thiên Thảo Nguyên… đều cam kết sẽ giảm giá thành. Hà Nội đang phấn đấu giảm ít nhất 10% hoặc 30% giá tour đến Việt Nam của du khách đến từ thị trường 6 nước này. Sở VHTT&DL Hà Nội đặt ra hạn định từ ngày 10/8/2015 sẽ thực hiện chương trình kích cầu như kế hoạch đã đề ra.