Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tìm hướng đi phát triển sản phẩm OCOP

Nguyễn Vũ - Hải Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội là vùng đất trăm nghề cùng với rất nhiều nông sản đặc sản, một tiềm năng, lợi thế để phát triển thêm sản phẩm OCOP. Điều này đang được Hà Nội tổ chức những chương trình xúc tiến thương mại để OCOP của Thủ đô vươn xa tới các thị trường trong và ngoài nước.

Theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, mỗi năm TP sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên. Ảnh: Nguyễn Vũ
Theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, mỗi năm TP sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên. Ảnh: Nguyễn Vũ

Tiềm năng còn rất lớn

Hà Nội hiện nay còn 806 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND TP công nhận. Đó là tiềm năng lợi thế cho sản phẩm OCOP. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội cũng có hơn 11.000 sản phẩm nông sản, thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code, 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao, 149 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp…

Không chỉ với các sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề ở ngoại thành, ngay trong nội thành, các địa phương cũng có những lợi thế riêng. Chẳng hạn, các sản phẩm OCOP độc đáo, như: Trà sen Tây Hồ, bánh Trung thu Bảo Phương, cá kho chợ Hàng Bè, đào, quất Nhật Tân, bún ốc Bà Ngoại… đã được đánh giá, phân hạng OCOP các năm qua.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, lũy kế đến nay, TP đã có 2.167 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực (bao gồm 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao). Với số lượng này, Hà Nội không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên), mà số sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao cũng nhiều nhất.

Theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, mỗi năm TP sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên. Việc thực hiện mục tiêu này của TP sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và góp phần thiết thực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhiều cách thức hỗ trợ thương hiệu sản phẩm

Hiện tại hà Nội đang diễn ra Festival nông sản Hà Nội 2023. Chương trình là cơ hội để các đơn vị tham gia quảng bá sâu rộng thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch sinh thái đến khách tham quan, người tiêu dùng Thủ đô;

Thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn không gian cộng đồng làng quê, truyền thống văn hóa, du lịch và các sản vật có nguồn gốc thiên Bên cạnh đó, Festival cũng sẽ có nhiều hoạt động bên lề được tổ chức nhằm thu hút khách tham quan như hội thi nấu cơm dân gian và trải nghiệm nấu cơm niêu và muối dưa cà; kéo giò hoa tre, têm trầu cánh phượng, trình diễn nặn tò he dân gian; thêu tranh, làm tranh gạo... Festival nông sản Hà Nội năm 2023 diễn ra trong 4 ngày, từ 28/9 đến 1/10/2023

Ông Lê Tự Lực - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội cho biết, sự kiện trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, sinh vật cảnh, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp-làng nghề, văn hóa, du lịch, ẩm thực tiêu biểu trên địa bàn. Có quy mô khoảng 160 gian hàng, với trên 1.500 dòng sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, OCOP tiêu biểu của huyện Sóc Sơn, của TP Hà Nội và 30 tỉnh, TP trong cả nước.

Song song với đó Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp với UBND quận Hà Đông tổ chức Tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm: OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an Bn năm 2023. Tuần hàng được tổ chức trong thời gian 5 ngày, từ ngày 28/9 đến ngày 2/10/2023 với 50 gian hàng và hơn 1.000 sản phẩm OCOP là đặc sản vùng miền của TP Hà Nội và 17 tỉnh, TP khác trong cả nước. Riêng TP Hà Nội có 20 gian hàng với hơn 200 sản phẩm OCOP tham gia.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội giúp các chủ thể OCOP của Hà Nội và các tỉnh, TP trên cả nước giao lưu, kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại... nhằm không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, năng lực chủ thể OCOP, đặc biệt là người tiêu dùng hiểu biết hơn về sản phẩm để quan tâm sử dụng.

Bên cạnh quảng bá sản phẩm, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cũng lưu ý các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết thời hạn (36 tháng). Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hàng năm để dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online...