Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: Tín dụng quý I/2022 tăng tích cực

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến hết tháng 3/2022, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP Hà Nội đạt 2.551 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so tháng trước và tăng 2,8% so với thời điểm kết thúc năm 2021.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong tổng dư nợ trên địa bàn Hà Nội, dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 1.041 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% và tăng 3,1%; dư nợ trung hạn và dài hạn đạt 1.510 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% và tăng 2,6%.

Mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của các tổ chức tín dụng (TCTD) phổ biến ở mức 5,5 - 7,5%/năm đối với ngắn hạn; 7,5 - 8,5%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) ở mức 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (4,5%/năm).

Các TCTD trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai biện pháp hỗ trợ cho khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định của NHNN và xem xét cho khách hàng vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.  Các TCTD tích cực thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo các văn bản của Chính phủ, NHNN và UBND TP Hà Nội.

Tiếp tục triển khai các chính sách, biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản vay phù hợp quy định, xem xét cho khách hàng vay mới, vay vốn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm phí các dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, các TCTD trên địa bàn TP Hà Nội đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 70,4 nghìn doanh nghiệp và cá nhân với dư nợ 78,2 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 376,7 nghìn khách hàng với dư nợ 592 nghìn tỷ đồng; doanh số cho vay với lãi suất ưu đãi lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt 3.158 nghìn tỷ đồng đối với hơn 207 nghìn lượt khách hàng.

Về huy động vốn, tính đến hết tháng 3, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước tính đạt 4.362 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với thời điểm kết thúc năm 2021 , trong đó tiền gửi đạt 3.969 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% và tăng 2,6%; phát hành giấy tờ có giá đạt 393 nghìn tỷ đồng, tăng 0,8% và tăng 2,9%.

Lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3 - 3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2 - 5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,4 - 6,9%/năm. Lãi suất huy động USD của TCTD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Các TCTD tích cực nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro thông qua việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện những khoản vay có vấn đề trước khi phát sinh tình trạng nợ xấu. Tính đến hết tháng 3/2022, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD chiếm 1,9% trong tổng dư nợ.

Ở phạm vi cả nước, Tổng cục Thống kê cho hay, tính đến thời điểm 21/3/2022, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,49% so với cuối năm 2021 (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,49%); huy động vốn của các TCTD tăng 2,15% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 0,54%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% (cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,47%).

Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong quý I, việc NHNN tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành đã tạo điều kiện để các TCTD tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.