Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tính chuyện đường dài cho xuất khẩu nông sản

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, Hà Nội đã đầu tư mạnh cho phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là giải pháp căn cơ của TP nhằm hướng tới xuất khẩu chính ngạch những mặt hàng nông sản chủ lực.

Lập mã vùng trồng chuối an toàn

Để nâng cao chất lượng, năng suất cũng như hỗ trợ phát triển thị trường cho cây chuối, Hà Nội đã đẩy mạnh việc cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với cấp mã số có vai trò rất lớn trong định hướng xuất khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực của Hà Nội.

Vùng trồng chuối xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Ánh
Vùng trồng chuối xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Ánh

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các địa phương đào tạo, tập huấn về xuất nhập khẩu, các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã ký kết, tập huấn về quản lý và vận hành hiệu quả hệ thống, tiêu chuẩn OTAS (truy xuất, xác thực nguồn gốc).

Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn của Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức khảo sát, đánh giá vùng trồng; thu thập thông tin, đo đạc và lập bản đồ vùng trồng chuối; thẩm định hồ sơ, cấp, xác thực mã số vùng trồng, nhập dữ liệu vùng trồng lên hệ thống OTAS, hồ sơ điện tử, cắm biển mã số và kích hoạt trên hệ thống, cấp tem mã số vùng trồng gắn lên sản phẩm...

Việc cấp mã vùng trồng đã mở ra cánh cửa giúp sản phẩm chuối của Hà Nội có thể dễ dàng hơn trong xuất khẩu sang nhiều thị trường. Khi đã có mô hình điểm sẽ tạo tiền đề mở rộng vùng sản xuất được cấp mã trong thời gian tới, giúp giá trị sản phẩm chuối ngày càng nâng cao.

“Trên cơ sở nền tảng việc cấp mã vùng trồng chuối đang triển khai hiệu quả, năm 2022, ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ trồng mới 25ha, quy mô 5ha trở lên; ứng dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất chuối theo tiêu chuẩn xuất khẩu 10ha, quy mô 3ha trở lên ở mỗi điểm; hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết hướng tới xuất khẩu...” - ông Chu Phú Mỹ cho hay.

Nhân rộng vùng lúa chất lượng cao

Nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa Japonica theo hướng xuất khẩu, trong 2 năm (2020 - 2021) Hà Nội đã xây dựng được hơn 50 mô hình sản xuất lúa Japonica, lúa chất lượng (VietGAP, hữu cơ) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Vùng canh tác lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ngọc Ánh
Vùng canh tác lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ngọc Ánh

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, các mô hình cho năng suất đạt trung bình 60 tạ/ha, giá trị kinh tế bình quân gần 61,7 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn 15 - 20% so với các giống lúa khác đang canh tác. Việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất lúa Japonica đã tạo ra sản phẩm gạo an toàn có khả năng cạnh tranh trên thị trường và đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế.

Đáng chú ý, đến nay Hà Nội đã xây dựng được 3 nhãn hiệu tập thể gạo Japonica và gạo chất lượng cao, gồm: “Gạo hữu cơ Japonica Nam Phương Tiến - Chương Mỹ”, “Gạo Japonica Mỹ Thành - Mỹ Đức”, “Gạo chất lượng cao Bình Minh - Thanh Oai”.

TP Hà Nội cũng xây dựng và duy trì 2 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica, gồm: HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ liên kết với Công ty CP Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam và HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Ứng Hòa (đảm nhận khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ)

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng cho biết, với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT, từ năm 2018 đến nay, huyện đã phát triển và nhân rộng diện tích canh tác lúa Japonica, trung bình đạt 4.000ha/vụ. Cùng với đó, huyện chủ động kết nối các DN, HTX tham gia vào chuỗi sản xuất lúa gạo. Hiệu quả của chuỗi không chỉ giúp nông dân nâng cao thu nhập, vơi nỗi lo “được mùa, mất giá” mà còn góp phần nâng cao chất lượng, thương hiệu gạo ''Khu Cháy'' của địa phương.

Theo Kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica và lúa chất lượng cao hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 cơ cấu giống lúa chất lượng toàn TP đạt trên 80%. Qua đó, duy trì và phát triển 80 - 100 vùng sản xuất lúa Japonica và lúa hàng hóa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

TP Hà Nội hỗ trợ phát triển công nghệ sấy, sơ chế, chế biến, bảo quản gạo giống Japonica nhằm nâng cao giá trị sản phẩm gạo Hà Nội. Hình thành thêm ít nhất 2 chuỗi liên kết giá trị sản phẩm gạo Hà Nội nhằm mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica chất lượng cao, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

 

Thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; gắn việc quảng bá du lịch với các chương trình công bố giới thiệu sản phẩm nông nghiệp; phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến và mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu những mặt hàng chủ lực như: Gạo chất lượng cao, nhãn chín muộn, chuối.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ