Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội tính dừng hoạt động phương tiện xe máy vào năm 2025

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những nội dung trọng tâm được đề cập đến trong dự thảo Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội là định hướng tăng sử dụng giao thông công cộng, giảm dần phương tiện giao thông cá nhân, đến năm 2025 dừng hoạt động phương tiện cá nhân xe máy.

Sáng 27/6, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI tổ chức Hội nghị lần thứ 5, thảo luận thông qua 2 Chương trình công tác lớn về đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển kinh tế và phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) giai đoạn 2016 - 2020. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và các đồng chí trong Thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, Ban chỉ đạo Chương trình 06 đã báo cáo tóm tắt Dự thảo Chương trình “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016-2020”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Theo Chương trình 06 về vấn đề phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, Hà Nội sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư các công trình giao thông, đảm bảo an toàn giao thông và chống ùn tắc.

Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện thủ tục và triển khai đầu tư các dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn Thành phố; thành phố đầu tư các bến xe khách liên tỉnh để hỗ trợ, giảm tải cho các bến xe khách đang khai thác hiện nay, phục vụ nhu cầu phát triển giao thông trong thời gian tới.

Về vấn đề phát triển giao thông công cộng, Hà Nội sẽ hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng 2 tuyến đường sắt đô thị. Tiếp tục đẩy nhanh thủ tục đầu tư đối với các tuyến đường sắt đô thị còn lại. Thời gian tới, Hà Nội cũng sẽ rà soát các tuyến xe buýt cho phù hợp.

Đặc biệt, trong Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội lần này còn đề cập đến việc tăng cường sử dụng giao thông công cộng, giảm dần phương tiện giao thông cá nhân, định hướng đến năm 2025 dừng hoạt động phương tiện cá nhân xe máy.

Góp ý kiến về vấn đề này, nhiều đại biểu đồng tình với giải pháp giảm dần phương tiện các nhân. Bí thư quận Thanh Xuân Vũ Cao Minh cho rằng, bên cạnh xe máy cá nhân, người dân đang chuyển sang dùng xe đạp điện và xe máy điện. Vì vậy, theo ông Minh đề nghị bổ sung chỉ tiêu giảm 50% phương tiện thô sơ cá nhân, trong đó có xe máy, xe đạp điện, xe máy điện… 

Trước đó, trong Hội nghị trực tuyến của Chính phủ diễn ra cuối tháng 12/2015, ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ giao các bộ ngành trung ương phối hợp với Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện xe cá nhân để giảm ùn tắc giao thông, bởi trong khoảng 4-5 năm nữa giao thông Hà Nội sẽ càng phức tạp.

Chủ tịch cho biết, trước tình hình hiện nay, bình quân hàng tháng trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 18 -22 nghìn xe máy; từ 6-8 nghìn ô tô đăng ký mới. Với tốc độ này (chưa tính đến năm 2018 các dòng thuế liên quan đến ô tô được miễn giảm tăng lên) thì đến năm 2020 Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô chưa kể ô tô của khối lực lượng vũ trang cũng như các tỉnh vào Hà Nội. Đồng thời, Hà Nội cũng có 7 triệu xe máy.

Do vậy, Hà Nội đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành Trung ương phối hợp với Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân để giảm ùn tắc giao thông.