Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hà Nội: tình trạng xe máy ngược chiều ngày càng nghiêm trọng

Ngọc Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù cơ quan chức năng thường xuyên xử lý nhưng tình trạng một bộ phận người dân bất chấp nguy hiểm, đi xe máy ngược chiều liên tục tái diễn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất lớn.

Muôn vàn cách đối phó

Theo thống kê, hiện Hà Nội có khoảng trên 6,4 triệu xe máy, xe đạp điện, chiếm gần 85% lượng phương tiện cơ giới cá nhân, chưa kể xe máy đăng ký ngoại tỉnh thường xuyên hoạt động tại Thủ đô. Hành vi ngang nhiên đi xe máy, xe điện ngược chiều, sai làn đường của nhiều chủ phương tiện là một trong những nguyên nhân rất lớn dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng trên nhiều tuyến đường.

Không chỉ giờ cao điểm, bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng có thể bắt gặp hình ảnh xe máy đi ngược chiều gây mất ATGT. Hàng ngày, vẫn xuất hiện nhiều người dân bất chấp nguy hiểm đi ngược chiều trên đường Giải Phóng để rẽ vào phố Định Công.

Quãng đường các phương tiện di chuyển ngược chiều chỉ hơn 100m, nhưng tuyến đường Giải Phóng luôn trong tình trạng đông đúc, việc cắt mặt dòng phương tiện đang lưu thông là hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, lưu lượng ô tô di chuyển trên đường Giải Phóng khá lớn, đi với tốc độ cao, nếu phanh gấp khi gặp xe máy đi ngược chiều rất dễ xảy ra tai nạn liên hoàn.

Xe máy nối đuôi nhau cắt mặt dòng phương tiện đang di chuyển tốc độ cao trên đường Giải Phóng.
Xe máy nối đuôi nhau cắt mặt dòng phương tiện đang di chuyển tốc độ cao trên đường Giải Phóng.

Anh Hoàng Minh Quân (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Tôi thường xuyên gặp phải các xe máy đi ngược chiều khi lưu thông theo hướng phố Định Công rẽ ra Giải Phóng. Đã có đôi lần tôi giật mình, phanh gấp khi gặp xe đi ngược chiều di chuyển trên làn đường của mình. Nếu không kịp xử lý thì tai nạn trong tình huống đó là không tránh khỏi”.

Tại khu vực phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), thay vì di chuyển đúng làn tại điểm quay đầu để đi từ ngõ Gốc Đề sang ngõ Hoà Bình 7, không ít người điều khiển xe máy lại đi ngược khoảng 20m để sang làn đường đối diện. Hành vi này tạo xung đột giao thông, gây nguy hiểm trên tuyến phố Minh Khai. Và mỗi khi thấy lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, không ít người đã quay xe bỏ chạy. Đến khi bị yêu cầu dừng xe, vô vàn lý do đã được đưa ra: đưa con đi thi, vội đi học, sợ muộn giờ làm, tránh đoạn đường ùn tắc…

Đại úy Đào Duy Tân - cán bộ Đội CSGT số 3 (Công an TP Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi thường xuyên bố trí lực lượng, xử lý vi phạm lỗi đi ngược chiều. Qua đó, ý thức của người dân cơ bản được nâng cao. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm”.

Theo Đại úy Đào Duy Tân, công tác kiểm tra, xử lý người dân đi ngược chiều cũng gặp không ít khó khăn. Khi xuất hiện lực lượng chức năng có không ít người quay đầu bỏ chạy gây mất ATGT. Hay có những trường hợp xuống dắt bộ, bỏ xe lại… 

Mạnh tay xử phạt

Tình trạng các phương tiện xe hai bánh vi phạm đi ngược chiều đã diễn ra rất phổ biến từ trước. Hầu hết những trường hợp đi ngược chiều là do người điều khiển phương tiện muốn tiết kiệm thời gian, rút ngắn quãng đường phải đi, không quan tâm đến việc chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc đi ngược chiều là do ý thức của người tham gia giao thông. Hành vi đó không chỉ thể hiện sự coi thường pháp luật của người điều khiển phương tiện, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chính người đi ngược chiều cũng như các phương tiện tham gia giao thông khác.

TS Khương Kim Tạo - nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT quốc gia cho rằng: “Cơ quan chức năng rà soát tình trạng phân luồng, tổ chức giao thông để có những điều chỉnh khoa học, phù hợp, thuận lợi nhất cho người dân. Trong một số trường hợp có thể thay đổi dải phân cách, điều chỉnh số giây đèn tín hiệu giao thông, bổ sung biển báo…”. 

Với các khu vực đã có tổ chức giao thông phù hợp, sau khi lực lượng chức năng làm công tác tuyên truyền nghiêm cấm hành vi đi ngược chiều, việc xử phạt phải thật nghiêm.

Nhìn từ thực tế có thể thấy, Hà Nội có tới hơn 6 triệu xe máy, xe mô tô, tuy nhiên chỉ có khoảng gần 2.000 CSGT. Vì vậy, việc kiểm tra, xử phạt sẽ khó có thể mang lại hiệu quả như mong muốn.  

Mặt khác, Hà Nội đã áp dụng phương thức xử phạt nguội đối với xe ô tô trên một số tuyến đường, hiệu quả mang lại rất khả quan. Để giảm thiểu tình trạng xe máy đi ngược chiều nguy hiểm ngày càng diễn ra phổ biến, CSGT Hà Nội cũng cần tăng cường xử phạt nguội đối với người điều khiển xe máy. 

Việc kết hợp ứng dụng công nghệ để xử phạt sẽ từng bước tạo ra nếp văn hoá khi tham gia giao thông đúng phần đường, đúng chiều. Quá trình xử phạt phải duy trì liên tục, chặt chẽ để xây dựng thói quen, nâng cao ý thức cho người dân. 

TS Khương Kim Tạo chia sẻ: “Các đơn vị chuyên môn như cơ quan, công ty, trường học cũng cần đồng hành cùng lực lượng chức năng để nâng cao ý thức giao thông cho người dân. Những trường hợp vi phạm như đi ngược chiều, sai làn đường, vượt đèn đỏ khi được gửi thông báo về cơ quan, trường học… cần có hình thức xử lý phù hợp, nghiêm khắc để tạo tính răn đe”. 

Bên cạnh đó, việc phát triển giao thông công cộng, hướng tới loại phương tiện nhanh, khối lớn như đường sắt đô thị, giảm bớt phương tiện cá nhân, sẽ giúp giao thông trở nên thông thoáng hơn, hạn chế tình trạng xe máy, xe điện đi ngược chiều.

Đồng thời, việc người dân ghi nhận, phản ánh về các trường hợp vi phạm tới lực lượng chức năng cũng là một hình thức hỗ trợ, để các bên có thẩm quyền xác minh, làm rõ và xử phạt thích đáng.