Quận, huyện phối hợp cùng doanh nghiệp
Từ ngày 2/8, siêu thị AEON Việt Nam bắt đầu triển khai 4 điểm bán hàng lưu động trên địa bàn quận Long Biên. Hàng hóa được cung ứng gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô... với giá bán được niêm yết rõ ràng bằng với giá bán tại siêu thị.
Thông tin về chương trình này, Giám đốc siêu thị Aeon Long Biên Đàm Mạnh Tuấn cho biết, hàng ngày siêu thị AEON bố trí khoảng 8 tấn hàng hóa thiết yếu phân phối tại 4 điểm trên địa bàn quận Long Biên, với giá cả được niêm yết giống với tại siêu thị. Thời gian phục vụ người dân từ 8 - 11 giờ hàng ngày cho đến khi Hà Nội thực hiện xong giãn cách xã hội.
Tương tự, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Thái Dũng thông tin, sau khi Công ty Thực phẩm Thanh Nga có ca mắc Covid-19, hệ thống Hapro và BRG đã tăng lượng hàng từ các nhà cung cấp khác như: Công ty TNHH Minh Hiền, Công ty TNHH Thực phẩm Minh Hằng, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam.
“Với hàng trăm siêu thị, điểm bán hàng trên địa bàn TP Hà Nội, hệ thống siêu thị BRG mart và Hapromart bảo đảm đầy đủ hàng hóa phục vụ Nhân dân. Đơn vị sẵn sàng phương án bán hàng lưu động theo yêu cầu của TP khi diễn biến dịch Covid-19 phức tạp”, ông Nguyễn Thái Dũng khẳng định.
Thực tế cho thấy, một số quận cũng đã triển khai mô hình bán hàng lưu động. Cụ thể từ ngày 2/8, quận Hai Bà Trưng đã khẩn trương triển khai tổ chức điểm bán hàng lưu động, chỉ đạo các phường thông báo để người dân trên địa bàn phường Trương Định, Minh Khai, Đồng Tâm, Bách Khoa, Bạch Mai, Cầu Dền đến điểm bán hàng tại nhà A chợ Đồng Tâm, thời gian từ 6 - 18 giờ 30 hằng ngày.
Tương tự, liên tục trong 2 ngày 4 - 5/8, UBND quận Ba Đình triển khai điểm bán hàng lưu động tại trường THCS Thăng Long (phường Cống Vị) và trường THCS Phúc Xá (số 2 An Xá). Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng cho biết, hàng hóa bán tại các điểm bán hàng lưu động gồm lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu của Nhân dân, có xuất xứ hợp lệ. Hàng thực phẩm bao gói sẵn phải có nhãn mác, hạn sử dụng đúng quy định. Hàng thực phẩm tươi sống phải đảm bảo điều kiện bảo quản. Tuyệt đối không để hàng giả, hàng nhái, quá hạn sử dụng, kém chất lượng tại các điểm bán hàng lưu động.
Chia sẻ về lợi ích mô hình điểm bán hàng lưu động mang lại cho người tiêu dùng, chị Bích Liên trú tại phố Bắc Cầu (quận Long Biên) nêu rõ, những điểm bán hàng lưu động này rất cần thiết trong thời điểm giãn cách xã hội, người tiêu dùng có thể mua đầy đủ sản phẩm theo nhu cầu, vừa tuân thủ quy định phòng dịch. Đây là mô hình hiệu quả đảm bảo dân sinh khi đang giãn cách xã hội.
Đồng tình với phản ánh của người dân, Chủ tịch UBND phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng) Trần Anh cho hay, để kịp thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của người dân, UBND các phường đã phát cho mỗi hộ 4 phiếu mua hàng, theo ngày chẵn-lẻ, quy định ngày giờ cụ thể… Trung bình mỗi ngày có 300 lượt người đến mua hàng.
“UBND phường đã đề nghị người dân không mua tích trữ, chỉ nên mua vừa đủ dùng và thực hiện tốt quy định phòng chống dịch. Tâm lý Nhân dân rất phấn khởi vì có thêm điểm cung ứng nhu yếu phẩm trong tình hình dịch đang căng thẳng. Một số ý kiến phản ánh mặt hàng chưa phong phú nên chúng tôi đã trao đổi lại, và các đơn vị cung ứng khẳng định sẽ tăng cường nhiều mặt hàng hơn” - ông Trần Anh chia sẻ.
Sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động
Với diễn biến dịch tại Hà Nội phức tạp như hiện nay, Bộ Công Thương đã đề nghị TP Hà Nội và yêu cầu Sở Công Thương Hà Nội có phương án bố trí điểm bán hàng lưu động trên địa bàn TP thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa do Covid-19.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi bị đóng cửa dừng hoạt động. Để đảm bảo được nguồn cung và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục tăng lượng dự trữ hàng hóa tối đa phục vụ Nhân dân, đổi mới các hình thức kinh doanh (tăng cường bán online trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng combo, đi chợ hộ, bán hàng lưu động, đăng ký phục vụ 24/24/7...).
Một số cơ sở chế biến trên địa bàn tiếp tục tăng công suất để cung cấp hàng cho các hệ thống phân phối. “Sở Công Thương Hà Nội cũng phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát lại nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, nắm nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân để chỉ đạo các hệ thống phân phối tăng cường thu mua, tổ chức điểm bán hàng lưu động giúp người dân hạn chế đi lại, đảm bảo phòng chống dịch và tạo thuận tiện cho người dân mua hàng tiêu dùng thiết yếu”- bà Trần Thị Phương Lan thông tin.
Thực tế cho thấy hiện nay các doanh nghiệp, địa phương đã tăng cường mở thêm các điểm bán. Hệ thống VinShop đã mở đưa vào hoạt động 800 điểm bán hàng thiết yếu trên 30 quận, huyện, thị xã. Sở Công Thương đang phối hợp với Bưu điện Hà Nội để tiếp tục mở thêm 472 điểm bán hàng thiết yếu. Các quận, huyện, thị xã đã xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng trong tình huống dịch Covid-19 trong đó mỗi phường/xã ít nhất tổ chức thêm 1 điểm bán, những nơi chưa có chợ tổ chức tối thiểu từ 2 điểm bán trở lên. Tính đến nay trên địa bàn Thành phố có 8.216 điểm bán hàng bình ổn giá đã được Sở Công Thương niêm yết công khai để phục vụ nhân dân, sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm.
Nói về tác dụng hỗ trợ người tiêu dùng trong thời gian giãn cách xã hội, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, mặc dù ngành công thương đang đẩy mạnh đưa nhu yếu phẩm qua kênh thương mại điện tử và giao hàng tại nhà trong thời điểm áp dụng Chỉ thị 17, nhưng hình thức này đang bị hạn chế do chính sách kiểm soát chặt chẽ. Bởi vậy, việc triển khai các điểm bán hàng lưu động là cần thiết tại thời điểm này, qua đó góp phần giảm tải cho các chợ truyền thống và siêu thị. Đồng thời bảo đảm giãn cách, hạn chế di chuyển, an toàn phòng dịch.
Ý kiến của chuyên gia, cơ quan quản lý, người tiêu dùng cho thấy, việc thí điểm triển khai mô hình bán hàng lưu động đưa hàng tiêu dùng thiết yếu đến người dân trong thời gian giãn cách xã hội là cách làm hay, cần nhân rộng ra toàn TP.
Sở Công Thương đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã rà soát lại nguồn cung hàng hóa trên địa bàn, nắm nhu cầu tiêu thụ nông sản thực phẩm của người dân để chỉ đạo các hệ thống phân phối thu mua giúp người sản xuất và đảm bảo tăng nguồn cung hàng hóa cho TP. Đồng thời phối hợp với các quận, huyện rà soát các địa điểm đủ điều kiện tổ chức các điểm bán hàng lưu động. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan |
Thời gian tới, quận Ba Đình sẽ tổ chức 41 điểm bán hàng lưu động tại 14 phường để cung ứng hàng hóa thiết yếu cho Nhân dân, đảm bảo đầy đủ, kịp thời và an toàn. Những điểm này đã được UBND phường rà soát và phòng Quản lý đô thị xác nhận đủ điều kiện đảm bảo an toàn giao thông. Ngoài ra, quận sẽ rà soát, bổ sung địa điểm là sân của khu tập thể, chung cư cao tầng, sân các trường học, bãi đất trống có diện tích hơn 100m2 trên địa bàn quận. Các điểm bán hàng lưu động cần đảm bảo đủ diện tích để thực hiện quy định 5K khi người dân vào mua hàng, thuận tiện cho xe ô tô tải loại 1,5 tấn trở lên vận chuyển hàng … Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng |
Chợ cóc, chợ tạm, cơ sở bán hàng không thiết yếu trên địa bàn quận đều đã tạm dừng; các cửa hàng kinh doanh hàng hóa thiết yếu được giãn ra; các đơn vị cung ứng cho người dân theo khung giờ. Chúng tôi đang chỉ đạo sắp xếp lại các điểm cung ứng; bổ sung điểm bán hàng lưu động bằng cách tận dụng nhà văn hóa, trường học tại các địa bàn… nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu, không để người dân đi lại vòng vèo, không đảm bảo giãn cách. Đồng thời, cho rà soát để có phối hợp liên ngành TP và quận, điều tiết để không đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch”. Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung |