Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động tri ân người có công

Trần Oanh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dịch bệnh Covid-19 không ảnh hưởng đến hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, tri ân đối với người có công (NCC) với cách mạng.

Nhân dịp Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh đã trả lời phỏng vấn báo Kinh tế & Đô thị về những hoạt động chăm lo cho NCC.
Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7/2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, vậy Hà Nội tổ chức các hoạt động kỷ niệm có gì khác biệt so với những năm trước không, thưa ông?

- Ngay từ tháng 3/2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 12/3/2021 tổ chức các hoạt động kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2021) với nhiều nội dung thực hiện trong cả năm, hướng đến mục tiêu quan tâm tốt hơn đến đời sống vật chất, tinh thần NCC, đảm bảo chính sách an sinh xã hội trên địa bàn TP... Cụ thể như, tổ chức thực hiện tốt nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC; chăm sóc nuôi dưỡng và điều trị cho con người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
 Nhân kỷ niệm 74 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh trao quà của TP Hà Nội cho Làng Hữu nghị Việt Nam. Ảnh: Trần Oanh
Sở LĐTB&XH Hà Nội tiếp tục thực hiện giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận NCC với cách mạng theo chỉ đạo của Trung ương; phối hợp thực hiện tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin. Bên cạnh đó, TP Hà Nội thực hiện các hoạt động trong phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” như: Tổ chức thăm, và tặng quà NCC; các đơn vị nuôi dưỡng, điều dưỡng NCC trong và ngoài TP, cơ sở sản xuất, kinh doanh của thương binh, bệnh binh tiêu biểu. Cùng với đó là vận động các cấp, ngành, đoàn thể, DN, các tổ chức kinh tế - xã hội và Nhân dân Thủ đô tham gia ủng hộ Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”; tu bổ, nâng cấp chỉnh trang các công trình ghi công liệt sỹ (bia, đài, nhà tưởng niệm và nghĩa trang liệt sỹ...). Như vậy, dịch Covid-19 không ảnh hưởng đến công tác đền ơn, đáp nghĩa, tri ân của TP đối với những NCC với các mạng và thân nhân các gia đình thương binh, liệt sỹ.

TP Hà Nội đặt ra mục tiêu các hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của người dân nơi cư trú. Về việc này, chúng ta đã thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Về công tác đền ơn, đáp nghĩa đối với NCC, thứ nhất, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, Hà Nội đã hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở cho NCC. Thứ hai, các chế độ trợ cấp, phụ cấp, phụng dưỡng những NCC, Mẹ Việt Nam Anh hùng được chi trả rất đầy đủ, kịp thời. Thứ ba, Hà Nội đã đề xuất và thực hiện cơ chế đặc thù đối với công tác điều dưỡng NCC, theo đó, những NCC trên 80 tuổi trở lên thuộc diện hưởng điều dưỡng 2 năm 1 lần đều được đi điều dưỡng bằng nguồn kinh phí TP trong năm không thực hiện điều dưỡng theo chính sách của Trung ương; NCC được miễn phí đi xe buýt...

Để nâng cao thu nhập cho gia đình NCC, trong Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ của TP Hà Nội đã nêu rõ việc rà soát các hộ gia đình NCC thuộc diện hộ cận nghèo, trên cơ sở phân tích hoàn cảnh cụ thể của từng hộ có giải pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ các hộ có mức sống ổn định hơn; không để hộ gia đình NCC tái nghèo theo tiêu chí mới. TP đã dành hàng nghìn tỷ đồng cho quỹ hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và những thương binh, bệnh binh, NCC và con em của họ đều được vay vốn giải quyết việc làm để nâng cao thu nhập. Ngoài ra, 5 sàn giao dịch việc làm, 8 điểm giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn TP Hà Nội tập trung ưu tiên giải quyết việc làm cho con em của gia đình NCC, thân nhân các gia đình liệt sỹ.

Công tác giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với NCC với cách mạng đã được ngành LĐTB&XH Hà Nội thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Tất cả hồ sơ đề nghị công nhận NCC khi được gửi về Sở đều được thực hiện theo đúng quy định, kịp thời, đúng cơ chế một cửa. Đối với những hồ sơ được giải quyết theo quy trình của Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH của Bộ LĐTB&XH, Sở LĐTB&XH Hà Nội là cơ quan thường trực đã tham mưu cho lãnh đạo TP Hà Nội chủ trì họp với các thành viên Ban chỉ đạo đã đề xuất với Bộ LĐTB&XH, các cơ quan Trung ương về những trường hợp hồ sơ NCC tồn đọng. Chúng ta đã làm công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy định và đến bây giờ không nhận được bất kỳ đơn thư nào phản ánh nào.

Về việc giải quyết hồ sơ NCC nói chung, mỗi tháng ngành LĐTB&XH Hà Nội giải quyết được hàng nghìn hồ sơ (chế độ trợ cấp thương binh, bệnh binh; chế độ ưu đãi giáo dục; mai táng phí...). Đối với hồ sơ NCC tồn đọng theo quy trình Quyết định số 408, TP Hà Nội đã họp và trình trên 20 trường hợp do gia đình lưu giữ hồ sơ, trong đó gần đây nhất đã trình 06 trường hợp đưa lên Ban chỉ đạo Trung ương xem xét, quyết định.

Xin cảm ơn ông!

Kế hoạch số 61/KH-UBND của UBND TP Hà Nội đặt ra một số chỉ tiêu cơ bản như vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” toàn TP đạt 22.270 triệu đồng; tặng 2.876 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa”; tu sửa nâng cấp 47 công trình ghi công liệt sỹ; hỗ trợ tu sửa, nâng cấp nhà ở đối với 227 hộ gia đình NCC; hộ gia đình NCC có mức sống cơ bản ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của Nhân dân nơi cư trú; chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần đối với Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, bảo đảm có cuộc sống tốt nhất.