Chương trình “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” được TP Hà Nội xác định là dấu ấn đặc biệt trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và là ngày hội của toàn dân do Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ TP Hà Nội tổ chức. Chương trình nhằm biểu dương lực lượng gắn với quảng bá, giới thiệu về văn hóa Thủ đô Hà Nội, góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch trên địa bàn TP.
“Ngày hội Văn hoá vì hoà bình” cũng là chương trình trong chuỗi hoạt động thiết thực kỷ niệm 1014 năm Đức Vua Lý Thái Tổ định đô tại Kinh thành Thăng Long và kỷ niệm 25 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999-16/7/2024) của UNESCO.
Sau thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng và công phu với sự tham dự của hàng nghìn người đại diện cho các tầng lớp Nhân dân Thủ đô đã cơ bản hoàn thành. Để chuẩn bị chu đáo cho chương trình chính thức, TP Hà Nội đã tổ chức sơ duyệt chương trình “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” tại Cung Điền kinh Hà Nội vào ngày 28/9.
Theo kế hoạch, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” là Ngày hội lớn của Nhân dân Thủ đô, được tổ chức trang trọng vào ngày 6/10 tại hồ Hoàn Kiếm. Ngày hội có quy mô khoảng 10.000 người, trong đó có khoảng 700 đại biểu khách mời trong nước và quốc tế, 9.000 người tham gia gồm lực lượng diễu hành và trình diễn là nghệ nhân và Nhân dân của 30 quận, huyện, thị xã; các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và các tầng lớp Nhân dân Thủ đô, bạn bè quốc tế.
Chương trình được tổ chức tại sân khấu chính là khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ và các sân khấu phụ tại khu vực: Vườn hoa Đền Bà Kiệu, Quảng trường Đông Kinh – Nghĩa Thục, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, ngã tư Lê Thái Tổ – Bà Triệu – Tràng Thi – Hàng Khay.
Lễ khai mạc “Ngày hội văn hóa vì hòa bình” sẽ diễn ra từ 7 giờ 30 phút đến 10 giờ ngày 6/10 với 3 phần nội dung. Phần 1 – Mở đầu: thực cảnh tái hiện hình tượng và biểu diễn liên khúc “Truyền thuyết Hồ Gươm – Người Hà Nội – Cảm xúc tháng 10 – Khí phách Hà Nội – Hát vang lý tưởng tuổi trẻ”. Phần này sẽ có sự tham gia của 500 chiến sĩ tái hiện đoàn quân tiếp quản Thủ đô năm 1954. Phần 2: khai mạc ngày hội; Phần 3: trình diễn, diễu hành chủ đề “Hà Nội ngày về chiến thắng”, “Hà Nội – dòng chảy di sản”, “Hà Nội – Thành phố hòa bình – Thành phố sáng tạo”.
Điểm nhấn của Lễ khai mạc Ngày hội chính là phần trình diễn, diễu hành của khoảng 9.000 người với các nội dung chủ đạo: trình diễn trống hội Thăng Long kết hợp múa cờ, múa rồng, múa lân; diễu hành, giới thiệu di sản văn hóa Hà Nội được UNESCO và quốc gia ghi danh; diễu hành, giới thiệu di sản văn hóa tín ngưỡng tiêu biểu của Thủ đô; diễu hành và trình diễn nghệ thuật dân gian tiêu biểu; diễu hành và giới thiệu làng nghề truyền thống tiêu biểu Thủ đô; diễu hành và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội và diễu hành, giới thiệu làng hoa Hà Nội và trình diễn áo dài nữ sinh Hà thành...